Trăn trở tìm lại quốc tịch Việt Nam cho kiều bào ở nước ngoài

Sáng 16-12, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, thông tin chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM.

kieu-bao-tphcm

 Ông Nguyễn Triều Lưu, Sở Tư pháp TP.HCM (bìa trái) chia sẻ trước các thắc mắc của kiều bào. Ảnh: LÊ THOA

Tại đây, ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch – Quốc tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), đã chia sẻ nhiều câu chuyện khiến ông đau đáu trong quá trình hỗ trợ kiều bào nhập lại quốc tịch Việt Nam.

Ông Lưu cho biết trước đây có nhiều người ra nước ngoài bằng các con đường, hoàn cảnh khác nhau nhưng không phải ai ra đi cũng có đầy đủ giấy tờ.

“Rất nhiều bà con trở về đây bảo với chúng tôi rằng họ không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh mình có tư cách công dân Việt Nam…” – ông Lưu nói.

Tuy nhiên sau khi có Luật quốc tịch Việt Nam và các văn bản có liên quan, với các quy định về cấp giấy xác định quốc tịch Việt Nam đã giúp cho nhiều trường hợp xác định được tư cách công dân Việt Nam. Từ đó giúp bà con ở nước ngoài về quê hương làm ăn, sinh sống.

Ông Lưu cũng kể câu chuyện nhiều phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài (thường là Trung Quốc, Đài Loan), rồi chọn quốc tịch nước ngoài cho con cái. Hoặc có nơi muốn nhập quốc tịch mới thì buộc phải xoá quốc tịch gốc (Việt Nam). Tuy nhiên, có nhiều trường hợp hôn nhân tan vỡ, người phụ nữ mang con về lại Việt Nam, muốn xin lại quốc tịch để ổn định cuộc sống.

Điều đáng nói, có trường hợp người cha ở nước ngoài không nhận con, đứa bé lớn lên đến năm 20 – 25 tuổi vẫn chỉ có tờ giấy khai sinh. “Chúng tôi bất lực vì đó là công dân Trung Quốc, Chính phủ nước đó không cấp giấy tờ cho đứa bé vì người cha không chịu làm thủ tục thừa nhận con” – ông Lưu kể.

Cũng tại hội nghị, Thượng tá Võ Chiến Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP.HCM, cho biết năm 2020, số người nước ngoài cũng như kiều bào nhập cảnh và cư trú ở TP giảm hơn rất nhiều so với năm trước. Tuy nhiên số người nhập cảnh trái phép tăng đột biến, xảy ra 43 vụ với 151 trường hợp, tăng 36 vụ với 133 người đến từ 10 quốc gia khác nhau.

kieu-bao-tphcm

 Thượng tá Võ Chiến Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA

Theo Thượng tá Thắng, đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép, công an đều lập tức đưa đi cách ly tập trung, sau khi có kết quả âm tính thì sẽ tiến hành xử lý vi phạm. Tuy nhiên, vừa qua trong quá trình kiểm tra, công an phát hiện một người nước ngoài dương tính đã khiến 50 cán bộ công an có liên quan cũng phải cách ly.

Thượng tá Thắng cho biết đây là ca nhiễm rất phức tạp khi hai lần đầu xét nghiệm âm tính nhưng đến ngày thứ 14 thì kết quả lại dương tính.

Về phía Cảng vụ Hàng không miền Nam, ông Đào Duy Dương, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, cho biết vừa qua Cục Hàng không Việt Nam nhận được phản ánh của hành khách về việc một số hãng hàng không nước ngoài bán vé, thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

Theo ông Dương, Cục Hàng không Việt Nam đã liên lạc với các hãng hàng không này thì được biết là họ không hề thực hiện các chuyến bay như quảng cáo. Cục Hàng không Việt Nam cũng không cấp phép cho các hãng này thực hiện chuyến bay như vậy.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá vụ việc này có các dấu hiệu lừa đảo để trục lợi từ khách hàng đi tàu bay trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Từ đó, Cục khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi trên website chính thức của Cục lãnh sự Bộ ngoại giao, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam để cập nhật thông tin chính xác các chuyến bay đưa công dân Việt về nước.

 

Không phải cứ tiêm vaccin là được miễn dịch COVID-19

Tại hội nghị, nhiều kiều bào bị kéo dài thời gian ở lại Việt Nam do dịch COVID-19 đã bày tỏ nhiều băn khoăn.

Ông Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore, thắc mắc: “Sắp tới Singapore sẽ tiêm vaccin ngừa COVID-19 cho công dân. Trong trường hợp chúng tôi được tiêm vaccin thì về Việt Nam có phải cách ly không?”.

kieu-bao-tphcm
Ông Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore thắc mắc về việc tiêm vaccin ngừa COVID-19. Ảnh: LÊ THOA

Trả lời vấn đề này, Bác sĩ (BS) Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), cho biết vaccin được xem là giải pháp tốt nhất để phòng, chống dịch nhưng đến hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Chính phủ Việt Nam đối với những người sau khi tiêm vaccin thì sau bao lâu được về nước.

Theo BS Tâm, không phải cứ tiêm vaccin xong là đạt được mục tiêu miễn dịch.

“Phải tạo được miễn dịch trong cộng đồng với số người tiêm ngừa trên 80% thì mới tạo được miễn dịch bảo vệ chúng ta” – BS Tâm nói và nhìn nhận Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho từng quốc gia với mức độ tiêm ngừa bao nhiêu và cách ly như thế nào,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm