Theo sử sách, khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên (tức khoa Minh Kinh năm 1075), Lê Văn Thịnh đã đỗ đầu bảng thi đình và được phong là Trạng nguyên. Năm 1079, nhà Tống trả lại hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nhưng nhất định không chịu trả lại phần đất khác thổ dân tự dâng cho nhà Tống. Tháng 6-1084, Lê Văn Thịnh với cương vị Thị lang bộ Binh đến bàn việc cương giới. Tuy khi ấy nhà Tống đã bị Lý Thường Kiệt đánh thua, song vẫn không trả lại phần đất nói trên với lý do: “Ðất ấy là của thổ dân “tự ý” đem sát nhập vào nhà Tống để tỏ lòng thuần phục chứ đâu có ỷ thế lấn chiếm”. Lê Văn Thịnh đã trả lời nhà Tống rằng: “Đất thì có chủ, các viên quan giữ đất ấy đem nộp cho người khác và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà lấy trộm đã không tha thứ được mà trộm của hay “tàng trữ” thì luật pháp cũng không cho phép, huống chi nay lại mang đất lấy trộm dâng để làm dơ bẩn sổ sách nhà vua”.
Lý lẽ cứng cỏi đó khiến nhà Tống buộc phải trả nốt sáu huyện, ba động đã chiếm của Đại Việt.
Sử sách cũng chép về vụ án trên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) xảy ra vào năm 1096 mà Trạng nguyên Lê Văn Thịnh bị gán tội giết vua và bị đi đày. Hơn 900 năm qua, “bản án” này vẫn đè nặng số phận Lê Văn Thịnh thông qua pho tượng bằng đá nguyên khối tạc hình một con rắn lớn trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình” đầy đau đớn, phẫn uất, hiện ở đền thờ ông.
Trước áp lực của dân, năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin Bắc Ninh đã tổ chức hội thảo, đi đến kết luận Lê Văn Thịnh là một danh nhân khoa bảng, có công với nhà Lý. Chuyện ông hóa hổ giết vua chỉ là một nghi án, một sự hàm oan... Tên ông sau đó được đặt cho một đường phố của Bắc Ninh và một ngôi trường PTCS. Còn ở quê ông, người dân vẫn sùng kính, trân trọng ông tột bậc, lập ra hai khu đền thờ ở Thuận Thành và Gia Bình với các nghi lễ hoành tráng. Khu lăng mộ của ông đã được trùng tu nhiều lần, đến nay rất quy mô, bề thế.
Mặc dù trong chính sử và quan điểm chính thống vẫn dè dặt với Lê Văn Thịnh nhưng trong lòng dân, tên tuổi của vị trạng nguyên đầu tiên ấy vẫn lẫy lừng với nhiều công lao ghi tạc trong lòng dân.
PHAN MAI