Tại buổi hội thảo “Liên lạc thực phẩm” do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (Jetro) tổ chức ngày 15-3, một số công ty nông sản Nhật Bản ở Lâm Đồng phản ánh tình trạng thuốc nông nghiệp có chứa hóa chất bị cấm sử dụng được phun ở nông trường bên cạnh phát tán sang, bám dính vào nông sản của nông trường họ. Điều này thường xuyên xảy ra.
Đại diện một công ty nông nghiệp Nhật đang đầu tư tại Đà Lạt chia sẻ vấn đề trên khiến họ rất đau đầu. Nông trường của họ sử dụng thuốc nông nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật cho rau và hoa quả. Thế nhưng nông trường trồng cúc bên cạnh dùng thuốc nông nghiệp tác dụng mạnh (quy định thuốc nông nghiệp dùng cho thực vật có hoa nới lỏng hơn so với rau và hoa quả), sau đó một số loài côn trùng kháng thuốc nông nghiệp tác dụng mạnh từ nông trường trồng hoa cúc đã thâm nhập vào nông trường của họ.
Một số trang trại sản xuất nông sản của công ty Nhật Bản ở miền Bắc như bắp, trà… cũng khó xuất khẩu vì dính thuốc từ các trang trại bên cạnh bay sang bám vào.
Doanh nghiệp Nhật Bản trao đổi với đại diện Bộ NN&PTNT.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện tại Việt Nam đã triển khai tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) ở nhiều vùng trồng nông sản khắp cả nước. Tuy nhiên, thực trạng các vùng trồng sử dụng thuốc nông nghiệp nhiều, phát tán ra môi trường, sử dụng hóa chất cấm vẫy xảy ra. Phía cơ quan quản lý của Việt Nam trước mắt sẽ kiểm soát chặt các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm trong nông nghiệp. Tiếp đó sẽ làm việc với chính quyền địa phương kiểm tra tình trạng phát tán thuốc nông nghiệp này.
Phía Jetro góp ý vấn đề phát tán thuốc nông nghiệp có tồn tại ở Nhật, tuy nhiên cán bộ chính quyền địa phương và hiệp hội nông nghiệp tham gia hòa giải để các hộ nông dân tự chủ động giải quyết vấn đề phát sinh. Ở Việt Nam, cơ quan chủ quản phụ trách nông nghiệp tạo lập đầu mối tham vấn, sau đó cán bộ các cơ quan sẽ thúc đẩy việc tự giải quyết vấn đề giữa các hộ nông dân.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết bất hợp lý khi các sản phẩm như đậu rán đông lạnh (thực phẩm chế biến đông lạnh làm từ protein đậu nành), bột quả hồng đông lạnh (sản phẩm bột quả hồng đông lạnh được làm từ quả hồng nghiền, sau đó nấu thành bột), hành chế biến sấy lạnh... bị yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Vì theo các doanh nghiệp Nhật, đây là thực phẩm chế biến phải được loại trừ khỏi đối tượng kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu. Ngay tại Nhật Bản, thực phẩm chế biến bằng cách chế biến thực vật kỹ càng thông thường không phải là nguồn xâm nhập và lây lan sâu bệnh có hại cho thực vật.
Đại diện phía cơ quan Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết sẽ xem xét lại từng mặt hàng. Cụ thể như mặt hàng bột quả hồng, nếu được nấu thành bột thì có thể không cần giấy chứng nhận kiểm dịch. Tuy nhiên, bột quả hồng đông lạnh thì vẫn có nguy cơ có dịch hại vì trong quá trình xay ra bột nếu được đóng gói, nấu thì có thể sâu bệnh chết, còn không vẫn có thể bị sâu bệnh xâm nhập.