Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của tỉnh Bình Thuận di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn từ Trung tâm Điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Bộ Công Thương khẳng định làm đúng
Trước đó, ngày 19-9-2022, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Về dự án và bố trí vốn thực hiện dự án di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn từ TTĐL Vĩnh Tân, giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, xử lý dứt điểm kiến nghị của tỉnh Bình Thuận theo đúng quy định”.
Đến ngày 4-4-2023, Bộ TN&MT có công văn giải quyết kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân, đáp ứng quy định về khoảng cách ly vệ sinh, làm cơ sở để lập các đề án di dời dân cư.
Nhiều năm qua đã có nhiều đoàn giám sát của Quốc hội, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Ảnh: PĐ |
Cụ thể, Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng việc sau khi Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch của TTĐL Vĩnh Tân để bổ sung Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng thì khoảng cách từ khu dân cư thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân đến hàng rào Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 gần nhất chỉ còn 80 m và xa nhất là 495 m. Điều này chưa đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng áp dụng tại thời điểm thực hiện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương thì Bộ TN&MT đã áp dụng các quy định không phù hợp. Cụ thể, trong quy định về phân loại xí nghiệp độc hại không có danh mục nhà máy nhiệt điện. Do đó, việc Bộ TN&MT đánh giá các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng phải áp dụng quy định như đối với các xí nghiệp độc hại cấp I và II là không phù hợp…
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho rằng quy định khoảng cách ly vệ sinh đối với các nhà máy điện cấp điện cho khu đô thị và dân cư phải đảm bảo theo Bảng 64. Cụ thể, với trường hợp nhà máy nhiệt điện than tiêu thụ nhiên liệu than 101-200 tấn/giờ, than có độ tro dưới 10% và hiệu suất lọc bụi 90% thì khoảng cách ly vệ sinh là 500 m.
Đối với các nhà máy nhiệt điện thuộc TTĐL Vĩnh Tân, hiệu suất lọc bụi của các nhà máy nhiệt điện này đều trên 99% nên việc áp dụng quy định trên để đánh giá là không phù hợp. “Như vậy, quy hoạch các nhà máy nhiệt điện tại TTĐL Vĩnh Tân tại các quyết định năm 2010 và 2015 của Bộ Công Thương là không vi phạm các quy định về khoảng cách ly vệ sinh” - văn bản của Bộ Công Thương nêu.
Thiếu cơ sở pháp lý để di dời dân
Đối với việc Bộ TN&MT kiến nghị điều chỉnh quy hoạch của TTĐL Vĩnh Tân, đáp ứng quy định về khoảng cách ly vệ sinh, làm cơ sở để lập các đề án di dời dân cư, theo Bộ Công Thương hiện nay, quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về quy hoạch xây dựng đã có yêu cầu chung về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.
Nếu áp dụng QCVN 01:2021/BXD để xem xét, đánh giá về khoảng cách an toàn môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện thì phải tuân thủ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của các nhà máy đã được phê duyệt do hiện nay các quy định của Bộ KH&CN và các văn bản pháp luật về môi trường chưa có quy định về cấp độc hại và khoảng cách an toàn môi trường.
Thực tế các dự án nhà máy nhiệt điện thuộc TTĐL Vĩnh Tân đều đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật về môi trường trước khi đưa vào vận hành. Hiện các nhà máy này đang vận hành ổn định, các thông số về khí thải của nhà máy đảm bảo đáp ứng quy định của quy chuẩn về khí thải công nghiệp nhiệt điện.
“Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận theo hướng kết luận thiếu cơ sở pháp lý để di dời dân vì lý do bị ảnh hưởng bởi bụi và tiếng ồn tại TTĐL Vĩnh Tân. Trường hợp các nhà máy nhiệt điện thuộc TTĐL Vĩnh Tân có hành vi vi phạm quy định về thải bụi vào môi trường và tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định…” - văn bản của Bộ Công Thương đề xuất.•
Bộ TN&MT: Cần phải có khoảng cách an toàn
Dải cách ly trồng cây xanh tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Ảnh: PĐ |
Theo Bộ TN&MT, quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân được Bộ Công nghiệp phê duyệt vào tháng 5-2007 có quy mô công suất khoảng 4.400 MW, gồm ba dự án nhà máy nhiệt điện đốt than gồm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2 và 3 với tổng diện tích sử dụng đất là 355 ha. Trong đó có 10,84 ha hành lang cây xanh cách ly và khoảng cách ly vệ sinh so với khu dân cư khoảng 500 m.
Sau khi Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch của TTĐL Vĩnh Tân để bổ sung Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng thì diện tích TTĐL Vĩnh Tân tăng lên là 710,271 ha. Trong đó, diện tích hành lang cây xanh cách ly chỉ còn khoảng 4,07 ha, khoảng cách từ khu dân cư thôn Vĩnh Phúc đến hàng rào Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 chỉ khoảng 80 m.
Tại thời điểm Bộ Công Thương thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân, theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng thì vị trí các xí nghiệp công nghiệp phải đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống của khu dân cư và phải có khoảng cách ly vệ sinh.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có ba tổ máy, mỗi tổ máy sử dụng định mức 250 tấn than/giờ. Căn cứ theo quy định thì khoảng cách ly vệ sinh tối thiểu của các nhà máy nhiệt điện là 500 m (áp dụng cho nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu từ 3 tấn/giờ đến 200 tấn/giờ, có chất lượng nhiên liệu (độ tro dưới 10%)).
Như vậy, khoảng cách ly vệ sinh của TTĐL Vĩnh Tân chưa đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng áp dụng tại thời điểm thực hiện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân. Hiện nay, QCVN 01:2008/BXD đã được thay thế bởi QCVN 01:2021/BXD nhưng khoảng cách ly vệ sinh vẫn áp dụng theo TCVN 4449:1987 (500 m).
“Đặc biệt, theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, TTĐL Vĩnh Tân có nguy cơ phát tán bụi, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người nên thuộc trường hợp phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư” - văn bản của Bộ TN&MT khẳng định.