Ngày 28-6, sau các kiến nghị liên tiếp lên Chính phủ của nhiều hãng taxi truyền thống liên quan đến hoạt động Uber, Grab, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì buổi đối thoại giữa các bên.
Buổi họp diễn ra lúc 8 giờ 30, tuy nhiên 8 giờ các hãng taxi truyền thống đã có mặt đầy đủ tại hội trường Bộ GTVT. Trên tay mỗi thành viên đều cầm tập tài liệu cáo buộc Uber, Grab và các kiến nghị đến Bộ GTVT.
Trong khi đó, đại diện của Uber, Grab vẫn ngồi tách biệt ở hai hàng ghế đầu.
Nhiều cáo buộc Uber, Grab
Đúng giờ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bước vào và yêu cầu ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, đọc báo cáo. Bước sang phần đối thoại, nhận thấy sức “nóng” của vấn đề, ông Trường yêu cầu các hãng taxi và hiệp hội vận tải các địa phương giữ bình tĩnh, không có những phát ngôn hay hành động quá mức, Bộ GTVT sẽ lắng nghe tất cả các bên.
Mở đầu, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết theo thống kê sơ bộ của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, lượng xe “taxi công nghệ” đã lên tới 7.000 xe, phát quá nhanh làm bất ổn xã hội.
Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cáo buộc Uber, Grab là “công ty kinh doanh dịch vụ taxi trá hình”, cạnh tranh không lành mạnh bằng chiêu thức siêu giảm giá, chiến lược giá hủy diệt, trợ giá cho khách hàng nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho rằng sự xung đột giữa taxi truyền thống và Uber, Grab đã đến đỉnh điểm và đây là lúc cần gỡ bỏ nó, nếu không sẽ gây ra hậu quả khó lường.
Theo đó, ông Hỷ đề nghị Bộ GTVT sớm nhận diện Uber, Grab thuộc loại hình nào, đồng thời giải thích tại sao thí điểm lại không có điểm dừng.
“Hiện nay Uber, Grab cho rằng họ là đơn vị cung cấp hợp đồng điện tử, tức là trung gian, nếu vậy chúng tôi không có ý kiến gì. Nhưng thực tế hoạt động Uber, Grab đang liên quan đến đào tạo lái xe, giá cước vận tải, tổ chức khuyến mãi..., tức là các bạn đang làm công việc của ông chủ, vai trò của người kinh doanh... Nên cần phải cạnh tranh bình đẳng” - ông Hỷ nhấn mạnh.
“Chúng tôi làm đúng”
Tranh luận lại những cáo buộc, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH GrabTaxi, khẳng định đơn vị này luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Số lượng xe ký hợp đồng với đơn vị đã báo cáo Bộ GTVT và các đơn vị liên quan nhưng tại hội nghị này ông không thể công bố vì đó là “bí mật” kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, xe Grab luôn đảm bảo chất lượng và đặc biệt là đảm bảo được quyền lợi của khách hàng.
Đại diện Grab nhấn mạnh Grab có được giá cước thấp và những đợt khuyến mãi, giảm giá cho người dùng là nhờ Grab tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất quản lý và kinh doanh... Nên ông Tuấn Anh mong taxi truyền thống phát triển dịch vụ tương tự như Grab.
Sau Grab, đại diện Uber tiếp tục bấm nút xin tranh luận lại với các hãng taxi truyền thống. Theo đó, đơn vị này khẳng định đóng thuế đầy đủ cho cơ quan thuế. Bên cạnh đó, họ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với khách hàng.
Không cần sự thương hại
Bà Trần Thị Thu Trang, đại diện Taxi Thủ đô Sao Nội, cho hay vừa qua Bộ GTVT đã có chỉ đạo “cấm cửa” dịch vụ đi chung xe nhưng Grab vẫn tổ chức, như vậy là xem thường pháp luật Việt Nam.
“Trong cuộc tranh cãi này, chúng tôi không cần sự thương hại của Bộ GTVT nhưng chúng tôi cần sự bình đẳng” - bà Trang nhấn mạnh.
Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khẳng định Uber, Grab nói đóng thuế đầy đủ là sai, phát biểu như vậy là thiếu trách nhiệm. Việc này ông sẽ làm việc trực tiếp với cơ quan thuế để rõ trắng, đen. Trong đó, ông đề nghị Cục Thuế cần sớm thanh tra thuế đối với Uber, Grab. Hiện nay, các sở GTVT không nắm được số xe Uber, Grab và các cơ quan thuế cũng thụ động, doanh nghiệp nộp bao nhiêu thì nhận vậy, không biết đủ chưa.
Cũng theo ông Thanh, thực tế việc thu thuế của Uber, Grab rất dễ. Cách thứ nhất, có thể kiểm soát dựa vào tổng doanh thu của Uber, Grab và thứ hai là giám sát thông qua dòng tiền ở ngân hàng.
Bị phê bình coi thường pháp luật Cuộc tranh luận kéo dài suốt sáu tiếng đồng hồ nhưng nhiều cánh tay vẫn tiếp tục nhấn nút tranh luận. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng vì thời gian có hạn nên những ý kiến của các hãng taxi truyền thống góp ý, kiến nghị trong cuộc đối thoại sẽ được tổng hợp, nếu vướng mắc Bộ GTVT sẽ xin ý kiến của Chính phủ. Ông Trường cũng phê bình Grab vì phớt lờ chỉ đạo của Bộ GTVT về dịch vụ xe đi chung. “Bộ GTVT đã gửi công văn nhưng Grab vẫn khai trương tưng bừng, như vậy là coi thường pháp luật. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh vấn đề này và sẽ công khai kết quả xử lý” - ông Trường khẳng định. Theo ông Trường, Bộ GTVT chỉ chấp thuận cho Grab, Uber thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng nên Bộ GTVT không kiểm soát số lượng xe. Số lượng xe đăng ký theo quản lý địa phương và do các Sở GTVT quyết định. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến về việc loại xe dưới chín chỗ ngồi đang phát triển quá nhanh, trong đó phải tìm biện pháp quản lý, xử lý các xe taxi trá hình, không có phù hiệu... Cuối năm nay, Bộ GTVT sẽ tổng kết hai năm thực hiện thí điểm và đưa ra các giải pháp để triển khai tốt hơn. Nhưng từ nay đến cuối năm Bộ GTVT sẽ làm việc với Uber, Grab và mời lãnh đạo của Cục Thuế, Bộ Công Thương các tỉnh tham gia thí điểm để xác định rõ loại hình Grab, Uber. Tiếp đó, Bộ GTVT sẽ làm việc với Cục Thuế của Bộ Tài chính để làm rõ vấn đề thuế; làm việc Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Cuối cùng, ông Nguyễn Hồng Trường mong muốn các hãng taxi truyền thống phải thay đổi để phát triển, với mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu cho người dân. “Tại sao taxi truyền thống không khuyến mãi giảm giá như Uber, Grab để lôi kéo khách hàng... “ - ông Trường đặt vấn đề và cho rằng ứng dụng công nghệ là quy luật tất yếu của cuộc sống và nếu doanh nghiệp nào không theo kịp sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Đề nghị dừng thí điểm Đại diện Sở GTVT Hà Nội, TP.HCM khẳng định hiện nay số lượng taxi hợp đồng tăng quá nhanh. Hiện nay TP.HCM có trên 11.000 xe taxi, theo quy hoạch đến năm 2020 là 14.000 xe. Tuy nhiên, từ lúc Grab thí điểm đến nay, riêng số lượng xe hợp đồng dưới chín chỗ lên đến 22.000 xe. Tại Hà Nội số xe hợp đồng cũng quá lớn và hiện này không kiểm soát nổi loại hình Uber, Grab. “Vì vậy chúng tôi tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT cho dừng mở rộng công tác thí điểm và tạm dừng cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô và phù hiệu đối với ô tô dưới chín chỗ” - ông Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, đề nghị. |