Đề thi HSG môn Ngữ Văn cấp THCS của tỉnh Quảng Nam bàn luận về “sự thấu hiểu của con cái với cha mẹ” đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi thì không ít ý kiến tranh cãi về đề thi lần này.
Những tranh cãi từ đề thi gắn liền với thực tiễn
Những ngày qua, trên các diễn đàn mạng xã hội liên tục chia sẻ đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn cấp THCS vào ngày 19-4 tại tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, trong đề thi học sinh giỏi đã nói về “Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ”.
Cụ thể, trong câu hỏi số 1 với 8 điểm là nghị luận xã hội có nội dung:
a. Trong bộ phim "Repply 1988" sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên Duk Sun, người bố giãi bày: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.
b. Trong bài viết: Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!, nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ: Mẹ tuy nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa.
Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ".
Nguyên văn đề thi HSG cấp THCS tỉnh Quảng Nam được quan tâm những ngày qua. Ảnh: NVCC. |
Với đề tài bám sát thực tế cũng như đánh vào những vấn đề nóng đang được quan tâm gần đây, đề văn đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm và bàn luận của đông đảo cư dân mạng.
Trên một diễn đàn mạng xã hội, đến hiện tại, đề văn đã thu hút hơn 6 nghìn lượt thích, hơn 400 lượt bình luận và hơn 700 lượt chia sẻ.
Một số bình luận khen ngợi của cư dân mạng:
- Mình nghĩ đề này nên làm cho tất cả các học sinh, vì đề tài về cha mẹ luôn chạm đến thâm tâm các học sinh rất nhiều. Vừa viết vừa nghĩ xem bản thân đã thật sự làm được như thế với bố mẹ chưa, đã hiểu và cảm thông cho bố mẹ chưa. Đề thi mở rất hay.
- Đề văn của các em học sinh bây giờ đa dạng thật đấy. Lại còn toàn những vấn để nổi cộm nhức nhối của xã hội.
- Đề bài văn quá hay. Giờ các con bây giờ làm văn theo kiểu văn nghị luận, trình bày thực tế không khuôn mẫu, đọc văn của con phần nào hiểu được chúng nó nhìn nhận về cuộc sống thế nào, kể cả là bốc phét thì vẫn là phét trong thực tế.
Trên trang cá nhân, nhà báo Thu Hà cũng bày tỏ sự bất ngờ khi bài viết của mình được sử dụng cho đề thi học sinh giỏi.
“Bài viết của mình vừa được trích làm đề văn thi học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh của tỉnh Quảng Nam, ngày hôm qua 19-4. Thấy mừng khi những điều này được lan tỏa tới học trò. Cô Hà cũng chưa từng là học sinh giỏi văn, không biết nói văn hoa, chỉ biết nói thật. Nhưng nói thật, trung thực với chính mình cũng là thành công rồi nè”- Nhà báo Thu Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến đánh giá đề thi không hay, mang tính “cưỡng ép” để học sinh phải đưa ra cái nhìn thấu hiểu. Khi làm đề văn, rất ít học sinh dám nói lên suy nghĩ của mình, mà sẽ thay bằng những câu từ hoa mỹ. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đề thi nêu một vấn đề quá lớn nằm ở nhận thức xã hội và giáo lý tư tưởng.
|
Mong muốn học sinh có dịp bày tỏ suy nghĩ
Là người ra đề cho kỳ thi học sinh giỏi, ông Lê Văn Hiệp- Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam bất ngờ khi đề thi được nhiều người đón nhận và tranh luận.
Nói về việc quyết định chọn đề thi lần này, ông Lê Văn Hiệp chia sẻ với PLO: “Vấn đề về sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái là vấn đề của cuộc sống hiện đại. Nhịp sống công nghiệp đã kéo giãn mối quan hệ này so với kiểu gia đình truyền thống. Đó là thực tế. Có lẽ nếu không có sự việc đáng tiếc xảy ra vừa qua, tôi cũng sẽ đưa vấn đề này để học sinh có dịp nhìn nhận và bày tỏ suy nghĩ của mình. Chính những câu thoại trong bộ phim và bài viết của nhà báo Trần Thu Hà đã đưa dẫn vấn đề trong đề văn mà tôi cân nhắc, tâm niệm”.
Ông Lê Văn Hiệp (phải)- Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam là người ra đề thi HSG môn Ngữ Văn cấp THCS "gây sốt" những ngày qua. Ảnh: NVCC. |
Đối với những tranh cãi trái chiều về đề thi, ông Lê Văn Hiệp bày tỏ rằng đây là một đề Văn thi Học sinh giỏi chứ không phải là diễn đàn để bàn bạc rộng rãi về sự thấu hiểu giữa cha mẹ với con cái.
"Đối tượng là HSG lớp 9 phải làm bài văn (2 câu) trong 150 phút. Đề tạo cơ hội để học sinh được cảm nhận, tỏ bày chính mình một vấn đề thuộc về tình cảm đạo đức, gia đình.Qua đó lan toả và giáo dục học sinh; đề không có ý áp đặt một chiều. Vả lại, đề dành khoảng trống trong phần luận để học sinh bàn bạc, đề xuất, bổ sung. Đây là phần để đánh giá năng lực học sinh trong việc giải quyết yêu cầu của đề văn. Những ai hiểu văn học, khi đọc hai lời dẫn của người bố và người mẹ, sẽ không đặt vấn đề ngược lại như thế"- ông Lê Văn Hiệp cho hay.
Ông Hiệp cũng nhận định rằng, với đề văn gần gũi, thực tế sẽ tạo cơ hội cho học sinh "bùng nổ". Ông cũng tin rằng các em sẽ làm tốt bài thi và có một mùa thi nhiều dư vị, đáng nhớ trong đời.