Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi vị thành niên mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính nước ta có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần.
Các số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có từ 36.000 đến 40.000 nghìn người tự tử, số nạn nhân ở độ tuổi học sinh, sinh viên không hề nhỏ và phần lớn đều gặp phải các vấn đề tâm lý nghiêm trọng, trong đó có trầm cảm.
Nguyên nhân khiến các bạn trẻ rơi vào áp lực, trầm cảm
Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là áp lực học tập, sự kỳ vọng về thành tích, điểm số được đặt ra cho đứa trẻ.
Tiếp đến là các áp lực từ phía gia đình như sự kì vọng quá lớn, so sánh với người khác, lời nói hoặc hành động gây tổn hại đến tính thần, thể chất của trẻ.
Hoạt động giao lưu, giao tiếp với bạn bè không được đáp ứng, mâu thuẫn, xung đột kéo dài cũng khiến trẻ dễ cảm thấy bất ổn, đặc biệt là độ tuổi dậy thì. Vì độ tuổi này, trẻ đánh giá rất cao vai trò của bạn bè, của tập thể. Do nó, chỉ cần một xích mích nhỏ, vài lời khích tướng, chê bai đã có thể trở thành vấn đề. Chẳng hạn, khi bị bạn bè chê trách, nói xấu, trêu chọc hay tấn công đã đủ khơi mào cho những tổn thương về mặt tinh thần lẫn thể chất, từ đó tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về mặt tâm lý ở các em nếu các tác động diễn ra với cường độ lớn hơn, lâu dài hơn.
Một số tác động thiếu tích cực từ trường học cũng là tác nhân ảnh hưởng đến tâm lý trẻ bởi thời gian sinh hoạt, học tập tại trường của mỗi đứa trẻ khá lớn. Do đó, căng thẳng chắc chắn không thể tránh khỏi, có thể kể đến như: áp lực điểm số, giao bài tập thiếu hợp lý, giao tiếp quá nghiêm khắc, thẳng thắn, không kiểm soát được cảm xúc hay ứng xử thiếu khéo léo và dùng sai phương pháp sư phạm/giáo dục... Cảm giác bất an, lo lắng, sợ hãi của học sinh thường xuất phát từ các yếu tố này. Mặc dù xuất phát từ mong muốn tốt đẹp nhưng tác động không đúng hoàn cảnh, đối tượng và phù hợp với đặc điểm lứa tuổi đều có thể ảnh hưởng xấu đến học sinh, thậm chí gây áp lực hay ám ảnh trẻ.
Cuối cùng, nếu bộ lọc cá nhân của đứa trẻ quá yếu ớt, thiếu bản lĩnh từ chối/kiểm soát các tác động tiêu học hoặc không được trang bị các phương pháp giải tỏa áp lực thì sẽ dễ tiêu cực, dễ tổn thương và gặp khó khăn tâm lý nhiều hơn. Một đứa trẻ trưởng thành hơn trong nhận thức, tư duy thì sẽ hành động khôn ngoan và có suy xét hơn. Do đó, sự vững vàng hay lành mạnh tâm lý mà đứa trẻ học được từ trường học, từ gia đình, từ những người xung quanh rất quan trọng để vực dậy tinh thần khi trẻ rơi vào khủng hoảng, bế tắc hoặc trầm cảm.
Cha mẹ nên là chỗ dựa thay vì "trói" con vào những áp lực vô hình. Ảnh minh họa.
Các yếu tố kể trên dù tác động cộng gộp hay đơn lẻ nhưng nếu diễn ra lâu ngày, không được hỗ trợ, can thiệp kịp thời đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tổn thương/rối loạn tâm lý ở trẻ.
Phụ huynh cần tìm hiểu và quan tâm con đúng cách
Thứ nhất, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu rõ ràng đặc điểm tâm lý ở từng độ tuổi, vì mỗi độ tuổi cần được quan tâm, giáo dục theo những cách khác nhau. Điều này giúp phụ huynh có tầm nhìn xa hơn về chặng đường mà con sẽ đi, những điều mà con mình đã làm tốt, chưa tốt so với độ tuổi để có các tác động, hỗ trợ phù hợp.
Thứ hai, phụ huynh nên dành thời lắng nghe con nhiều hơn, để con không cảm thấy cô độc trong gia đình, cho con được kể câu chuyện ở trường, về thầy cô, bạn bè, về khó khăn con gặp phải, về những góc khuất trong lòng mà trẻ không biết thổ lộ với ai. Từ thông tin thu thập được thông qua con, giáo viên, bạn bè của con... phụ huynh sẽ nắm bắt được phần lớn tâm tư, nguyện vọng của con, biết con cần gì và nên động viên, an ủi, trợ giúp thế nào.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân cho rằng cha mẹ hãy là người lắng nghe, chia sẻ, dạy con cách để sống hạnh phúc.
Khi lắng nghe hay động viên con, đừng cố tỏ ra là ba mẹ rất hiểu biết và từng trải, đừng chê bai hay nhận xét quá vội vàng. Thay vào đó, chỉ cho trẻ cách đối diện, giải tỏa hoặc mạnh mẽ đương đầu với khó khăn, thử thách. Hay nói đúng hơn là không tạo tâm lý phụ thuộc cho trẻ, trẻ phải là người đầu tiên tự nhận diện, phân tích và giải quyết vấn đề của chính mình. Người lớn chỉ giữ vai trò cố vấn, đồng hành, trừ khi vấn đề đó quá khó khăn vượt quá khả năng hiện tại của trẻ mới nên tham gia trợ giúp.
Thứ ba, tôn trọng và tạo điều kiện để trẻ được lên tiếng, góp lời trong các công việc, quyết định hệ trọng hay sinh hoạt gia đình. Chẳng hạn, trẻ được tham gia góp ý kiến cho căn phòng mới xây, chọn chiếc bàn cho góc học tập, góp ý cho chuyện học của một thành viên hay lựa chọn ngành nghề mình yêu thích. Khi được tôn trọng, cảm nhận được giá trị của mình trẻ sẽ sống trách nhiệm và nghị lực hơn.
Cuối cùng, dành sự quan tâm cần thiết cho con. Rất nhiều phụ huynh, không biết sáng nay con ăn gì, học môn gì, hôm qua con được bao nhiêu điểm, ở trường con có bị bắt nạt hay không, về nhà chỉ quanh quẩn một mình con cảm thấy thế nào, con thích và không thích gì. Trong khi vì lý do công việc, người lớn sẵn sàng dành sự ngọt ngào và rất nhiều thời gian cho đối tác, khách hàng, người ngoài. Ngược lại, hay cáu bẩn và đòi hỏi con phải hiểu chuyện, cảm thông. Thật ra con trẻ chỉ cần cha mẹ hỏi thăm, động viên khi cần, cùng ăn một bữa cơm, cùng xem phim, dọn nhà, du lịch... Điều này thường không chiếm hết thời gian của người lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển tâm lý, đảm bảo sự ổn định tinh thần và gắn kết gia đình, tạo niềm tin và cảm giác gia đình đầm ấm, yên ổn trong đứa trẻ.
Học sinh, sinh viên nên làm gì để bảo vệ tâm lý của chính mình? Thứ nhất, dành thời gian tìm hiểu đâu là điều có thể khiến bản thân cảm thấy khó khăn, bất ổn để phòng tránh và dự phòng cách ứng phó. Thứ hai, tìm cách giải tỏa tâm lý khi cảm thấy nặng nề. Chẳng hạn, tìm một người tin cậy để chia sẻ, đọc sách, đi dạo, học một môn thể thao/nghệ thuật yêu thích, suy nghĩ tích cực và tham gia các lớp kỹ năng sống để có thêm phương pháp cải thiện đời sống tâm lý. Thứ ba, rèn thói quen làm việc có thời gian biểu, có mục tiêu và kế hoạch. Việc hình dung trước con đường mình sẽ đi, và xác định được đích đến sẽ giúp bản thân kiểm soát được việc học tập, làm việc phù hợp với năng lực, điều kiện, tránh quá tải hay áp lực hơn vì phải “chạy nước rút” do quản lý thời gian kém hiệu quả. Thứ tư, nếu cảm thấy vấn đề mình đang gặp phải có vẻ quá sức chịu đựng hay bế tắc hãy thông báo với người lớn và đến gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia tâm lý – giáo dục để được kiểm tra, tư vấn và hỗ trợ kịp thời. ThS tâm lý Lê Minh Huân |
(PLO)- Các con tuổi teen giờ nhiều vấn đề tinh thần hơn thời chúng ta cùng tuổi. Cuộc sống ngày xưa đơn giản hơn, ít nhu cầu hơn, ít áp lực hơn. Đó là chưa kể tác nhân gây áp lực của thế hệ tuổi teen hiện nay trong bối cảnh mạng xã hội phát triển đều khá vô hình, hoặc ở những xa, rất khó nhận biết.