Tranh cãi về mở môn “Trịnh Công Sơn học” trong trường ĐH

Như PLO đã thông tin, vừa qua, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến thăm và đồng ý cho Trường ĐH Văn Lang (Cơ sở 2, quận Gò Vấp, TP.HCM) đặt tên hội trường lớn nhất tại đây là Trịnh Công Sơn. Tại đây, vợ chồng nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) có bày tỏ mong muốn Trường ĐH Văn Lang nghiên cứu giảng dạy môn “Trịnh Công Sơn học” đến với sinh viên, như các nước như Mỹ và Nhật Bản đã làm.

Và đáp lại, ông Nguyễn Cao Trí, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của trường này cho biết, thời gian tới, trường sẽ nghiên cứu để xây dựng nên môn Trịnh Công Sơn học để giảng dạy cho sinh viên. Nếu được, đây sẽ là một điểm nhấn thú vị trong chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng, Piano, Thanh nhạc, Đông phương học của trường. Qua âm nhạc Trịnh Công Sơn, sinh viên có thể học được cả về bản sắc văn hóa và tâm tính dân tộc.

Tuy nhiên, ngay sau đó, vấn đề này đã được lan truyền và tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Phần lớn mọi người cho rằng không thể mở môn học hay ngành về Trịnh Công Sơn được. Bởi ông chỉ là một nhạc sĩ nếu mở thành môn là rất cảm tính, cần nghiên cứu cụ thể. Chưa kể Việt Nam hay thế giới có rất nhiều danh nhân ở nhiều lĩnh vực, nếu nhân vật nào cũng trở thành môn học sẽ loạn.

Bên cạnh đó, cũng có một số người đồng ý vì cho rằng Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ lớn, có sức ảnh hưởng lớn, không chỉ trong nước mà cả thế giới. Do đó, việc mở môn là có thể nhưng chỉ phù hợp dành cho một số ngành học đặc thù như Việt Nam học, âm nhạc, Đông Phương....

Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bày tỏ nguyện vọng về việc mở môn học tại buổi gặp với lãnh đạo trường ĐH Văn Lang

Về vấn đề này, trao đổi với PLO, PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Việt Nam học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ lớn, được yêu thích rộng rãi khắp cả nước suốt hơn nửa thế kỷ nay. Tên tuổi của ông cũng nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới. Ca khúc của ông hay cả ở nhạc lẫn ca từ. Trong chương trình ngữ văn phổ thông tới đây có bài giảng văn lấy từ tác phẩm của Trịnh Công Sơn (bài Nối vòng tay lớn và Nhớ mùa thu Hà Nội). Có thể so sánh ông với nhạc sĩ Bob Dylan được giải Nobel Văn học 2017. Vì vậy việc nghiên cứu về Trịnh Công Sơn về nhạc và ca từ là hết sức đúng đắn, cần thiết.

Theo PGS.TS Giang, để giảng dạy được môn ca khúc Trịnh Công Sơn thì phải có chuyên gia chuyên nghiên cứu về âm nhạc và ca từ của ông. Phải có giáo trình/ tập bài giảng được hội đồng khoa học thẩm định. Như vậy môn học về ca khúc Trịnh Công Sơn như một chuyên đề đại học ngữ văn, văn hóa học hoàn toàn có thể thực hiện được sau khi đáp ứng được những yêu cầu về chuyên môn đó.

Tuy nhiên, PGS.TS Giang cho rằng, việc đặt tên là "Trịnh Công Sơn học" khiến người ta dễ hiểu là một ngành học thuật về Trịnh Công Sơn - tương tự như Shakespeare học của Anh, Hồng học (Hồng Lâu Mộng) của Trung Quốc, Kiều học của Việt Nam, tức là có Học hội về Trịnh Công Sơn, có nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo về nhiều mặt của cố nhạc sĩ này. Khi đặt ra vấn đề này, Trường ĐH Văn Lang hình như chưa tính đến chuyện này, chưa có nhiều chuyên gia có uy tín nghiên cứu về Trịnh Công Sơn, chưa có Học hội nghiên cứu về ông, chưa có nhiều hội thảo, nhiều công trình khảo cứu về ông, mà chủ yếu vẫn chỉ là hồi ức về ông thôi.

“Nếu muốn thực hiện, trường cần xem lại: trường tính dạy chuyên đề về Trịnh Công Sơn cho sinh viên ngữ văn hay tính thành lập hội học thuật về ông? Nếu chỉ là một chuyên đề thì đơn giản hơn (như đã nói). Nhưng nếu một ngành học thuật, một hội học thuật về Trịnh Công Sơn thì phải xem đã chín muồi chưa, có sự chuẩn bị đầy đủ chưa, có được giới học thuật đón nhận chưa? Tóm lại cần cẩn trọng khi dùng từ "Trịnh Công Sơn học"” – PGS.TS Đoàn Lê Giang nói.

Tương tự, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng các trường ĐH có quyền mở ra các môn học, ngành học. Bởi mở ra môn học mới, điều chỉnh chương trình hay loại bỏ môn không phù hợp là việc bình thường của các trường ĐH hàng năm.

Tuy nhiên, theo quy trình, muốn mở môn hay ngành nào đó thì các trường cần điều tra xem xã hội có nhu cầu hay không? nếu có thì nội dung phải thế nào?

“Bởi, mở ra môn học hay ngành học mà có người học, lại đông người học nữa thì thành công. Nếu ngược lại thì việc đó là thất bại, phải dẹp bỏ. Hơn nữa, có nhu cầu mà nội dung không tốt cũng thất bại, có nội dung tốt mà người dạy không tốt cũng thất bại” – GS.TSKH Thêm nhấn mạnh.

Thêm nữa, theo GS Thêm, trong chương trình đào tạo có phân biệt môn bắt buộc và tự chọn. Nếu trường mở ra môn này, có thể là bắt buộc với ngành âm nhạc Việt Nam chẳng hạn, nhưng sẽ là tự chọn với các ngành khác như văn học....

 

Trả lời báo chí trước những tranh cãi trên, phía nhà trường ĐH Văn Lang cho rằng việc mở môn học chỉ là dự định ban đầu của trường nhưng để thực hiện phải cả một quá trình. Tuy nhiên, trước mắt, trường sẽ nghiên cứu xây dựng chuyên đề về Trịnh Công Sơn, xem xét nội dung là gì, đưa vào chương trình như thế nào, bao nhiêu tiết, dạy cho sinh viên ngành nào.... Có thể, chuyên đề sẽ dạy trong chương trình đào tạo một số ngành như văn học ứng dụng, thanh nhạc. Sau đó tu ỳ vào điều kiện thực tế mới phát triển thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm