Đó là thông tin chia sẻ từ ông Nguyễn Cao Trí, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) tại buổi đón gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến thăm để đồng ý cho trường đặt tên hội trường lớn nhất tại đây là Trịnh Công Sơn vào ngày 22-4.
Nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) gửi lời cảm ơn đến nhà trường đã lấy tên anh trai của bà để đặt cho hội trường. Và từ nay, nơi đây cũng sẽ là một địa chỉ mà nhóm du ca của bà có thể sẽ chọn để biểu diễn những bản nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi đến khán giả yêu dòng nhạc này.
Vợ chồng nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cũng cho biết, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ, vợ chồng bà đang làm những dự án phim về Trịnh Công Sơn, tour biểu diễn Huế - Sài Gòn – Hà Nội và sẽ biểu diễn tại các trường ĐH.
Chồng của nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - doanh nhân Nguyễn Trung Trực chia sẻ ý kiến tại buổi thăm trường Văn Lang.
Ông Nguyễn Cao Trí, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của trường, cho biết trường muốn đặt tên Trịnh Công Sơn vì muốn xây dựng và hướng đến một môi trường giáo dục ý nghĩa, sâu sắc, tử tế, thương yêu con người và luôn cổ súy những giá trị nhân bản.... như lối sống của cố nhạc sĩ. Từ đó, tên tuổi và âm nhạc của cố nhạc sĩ sẽ gần gũi hơn với nhà trường và giới trẻ trong và ngoài trường.
Ông Trí cũng cho hay, thời gian tới, trường sẽ nghiên cứu để xây dựng nên bộ môn Trịnh Công Sơn học để giảng dạy cho sinh viên. Nếu được, đây sẽ là một điểm nhấn thú vị trong chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng, Piano, Thanh nhạc, Đông phương học của trường. Qua âm nhạc Trịnh Công Sơn, sinh viên có thể học được cả về bản sắc văn hóa và tâm tính dân tộc.
Được biết, hội trường mang tên cố nhạc sĩ có sức chứa 1.600 chỗ, vừa được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 4-2019, thuộc cơ sở 3 của trường tại quận Gò Vấp. Nơi đây thường dành cho những sự kiện hội thảo khoa học quốc tế và gặp gỡ cựu sinh viên.