Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ. Theo đó, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là công an xã/phường/thị trấn đang gây nhiều tranh cãi.
Những người ủng hộ thì cho rằng lực lượng này là người trực tiếp giữ an ninh tại địa bàn; phía không ủng hộ thì lo ngại đây là lực lượng không chính quy, giao vũ khí là không cần thiết.
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với các chuyên gia, người trong cuộc về vấn đề này.
Công cụ hỗ trợ là đủ
ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng không nên cấp vũ khí cho công an xã. Bởi công an xã là lực lượng bán chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự xã hội ở thôn làng, địa phương. Với các loại công cụ hỗ trợ được trang bị như hiện tại (dùi cui, còng, súng gây ngạt, gây tê…) đủ để hỗ trợ cho lực lượng này đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tại địa phương, đủ sức để trấn áp những đối tượng manh động ở thôn, xóm trên địa bàn.
Chưa kể là một số nơi có tình trạng sử dụng vũ khí rất bừa bãi, càng có căn cứ để không giao vũ khí quân dụng cho họ. Mặt khác, tình hình an ninh trật tự ở Việt Nam ổn định, đâu cần giao vũ khí sát thương cho công an xã.
Một thanh niên bị công an xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột bắn bị thương tối 16-6-2017. Ảnh: CTV
“Tôi đã từng làm trưởng công an phường tại địa phương nên tôi biết việc cho công an xã được trang bị vũ khí quân dụng rất phức tạp. Lực lượng này không được tuyển chọn, đào tạo chính quy. Hiện chỉ có trưởng, phó công an xã là được đào tạo kỹ, còn công an viên thì chỉ đào tạo lớp sơ cấp vài tháng. Không là lực lượng chính quy thì không nên trang bị cho họ vũ khí chính quy…” - ông nói.
Cũng theo ông Hòa, vừa rồi trước khi thông qua quy định cho lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư, hải quan sử dụng súng quân dụng, Quốc hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Vì trang bị vũ khí quân dụng sẽ đi kèm với việc quản lý, sử dụng nó. Nếu cho là quá cần thiết, chỉ nên cấp cho cá nhân trưởng công an xã chứ không phải cấp cho lực lượng công an xã.
Cần phân biệt với lực lượng chiến đấu
Luật gia Nguyễn Thanh Lương, Hội Luật gia TP.HCM, không đồng tình cấp vũ khí quân dụng cho công an xã như dự thảo. Theo quy định, vũ khí quân dụng bao gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, mìn, lựu đạn…
Ông Lương cho là công an xã hiện chưa là lực lượng chính quy. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết nhận thức pháp luật chưa đồng bộ, trang bị vũ khí quân dụng cho họ là không cần thiết. Chưa kể phát sinh việc quản lý, cất giữ vũ khí quân dụng vốn phức tạp, gây tốn kém ngân sách và đem lại hiệu quả không cao.
Thực tiễn đã có nhiều trường hợp công an xã lạm dụng, tùy tiện sử dụng công cụ hỗ trợ gây nhiều hậu quả tiêu cực nên chúng ta có quyền đặt nghi vấn: Nếu đó là vũ khí quân dụng, hậu quả sẽ như thế nào.
“Tôi cho rằng mấu chốt vấn đề là cần phân biệt nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn xã hội với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của các lực lượng để trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ. Công an xã đâu là lực lượng chiến đấu mà trang bị vũ khí quân dụng cho họ” - ông nói.
Khi cần, huyện hỗ trợ ngay
Một cán bộ Công an huyện Phú Riềng, Bình Phước cũng không đồng tình trang bị vũ khí quân dụng cho công an xã.
Vị này cho hay hiện lực lượng công an xã ở nhiều địa bàn trong tỉnh chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ và họ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cấp cơ sở. Vì vậy không cần thiết trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng này.
Lý do là công an xã không qua việc sàng lọc gắt gao về phẩm chất chính trị và các tiêu chí khác của ngành; không phải là lực lượng chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản nên dễ xảy ra chuyện không hay khi cấp vũ khí quân dụng. Chưa kể, khoảng cách địa giới hành chính giữa công an huyện và xã giờ không xa như trước đây, thông tin liên lạc luôn thông suốt, khi có việc phức tạp về an ninh trật tự thì trong vòng 15 phút lực lượng công an huyện sẽ có mặt hỗ trợ ngay.
“Công an chuyên nghiệp được đào tạo bài bản trước khi nổ súng rất đắn đo, đánh giá, phán đoán tình huống đôi khi còn chưa chuẩn. Công an xã trình độ còn hạn chế nên giao vũ khí cho họ sẽ không an tâm” - ông nêu quan điểm.
Hiện lực lượng công an tổ chức theo ba cấp (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện) và cơ quan chức năng đang xem xét sửa Luật Công an nhân dân theo hướng xây dựng lực lượng công an bốn cấp. “Nếu việc này thành hiện thực, lúc đó trang bị vũ khí quân dụng cho họ cũng chưa muộn” - ông nói.
Công an xã nổ súng gây thương tích, làm chết người • Ngày 9-11, ông Nguyễn Ngọc Thấu - trưởng Công an xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) dùng súng bắn đạn cao su nổ nhiều phát vào người chủ tịch xã khi bị nhắc nhở về chuyện uống rượu, to tiếng tại trụ sở cơ quan. • Khuya 20-10-2017, một công an viên xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê (Gia Lai) để súng bắn đạn cao su trong cốp xe máy, bị bạn cầm vào bàn nhậu. Sau đó súng cướp cò làm một người bị thương. • Tối 16-6-2017, công an xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khi đi tuần tra đã nổ súng rulô bắn đạn cao su làm ba thanh niên nhập viện. • Chiều 6-10-2016, phó trưởng Công an xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam bắn vào chân một thanh niên khi người này chửi bới ở một tiệm điện thoại. • Ngày 11-2-2010, công an xã Trường Thành, huyện Thới Lai (Cần Thơ) đã nổ súng bắn đạn cao su khi giải tán một sới đá gà làm một người chết, ba người bị thương. |