Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án (THA) dân sự tại phiên họp ngày 12-8, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành quy định không áp dụng xét miễn, giảm THA khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với người bị kết án về các tội phạm tham nhũng và các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Lo “nới” quá rộng
Đề cập về quy định miễn, giảm THA các khoản thu cho ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay qua thảo luận có rất nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này. Trong đó có ý kiến đề nghị chỉ miễn giảm THA vì lý do nhân đạo. Một số ý kiến lại đề nghị bỏ quy định miễn, giảm nghĩa vụ THA để bảo đảm hiệu lực pháp luật của bản án, bởi việc để “treo” khoản nợ nhằm răn đe và nhằm phòng ngừa cất giấu, tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, ông Hiện cho rằng việc duy trì cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước là cần thiết. Để phù hợp với thực tiễn, Ủy ban Tư pháp đề nghị bỏ quy định xét miễn, giảm đối với trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc không xác định được tài sản của người phải THA. Đối với những trường hợp phạm các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về tham nhũng và các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị không áp dụng việc miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu ý kiến: Người bị lũ lụt, thiên tai không còn tài sản gì, khi đó cả nước phải chung tay cưu mang họ mà chúng ta lại không miễn, giảm cho họ 100.000 đồng tiền án phí thì cứng quá. Hay một ông nghiện vốn đã không có tiền rồi, ngoài bị xử lý hình sự, còn bị phạt đến 20 triệu đồng thì đến bao giờ mới THA được. “Thực tế có những trường hợp chấp hành viên phải bỏ tiền túi ra để THA cho đương sự” - ông Cường lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng việc miễn, giảm là cần thiết vì có rất nhiều trường hợp không thể THA được. “Ngay thuế má, tín dụng chúng ta còn phải miễn, giảm nữa là THA” - ông Hùng nêu ý kiến.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý vẫn tỏ ra băn khoăn khi danh mục được xét miễn, giảm vẫn quá rộng. “Đã là ngân sách nhà nước thì một xu cũng phải được bảo vệ. Do đó việc dự thảo mở ra nhiều quy định để được miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách nhà nước trong THA là không phù hợp, cần phải điều chỉnh lại” - ông Lý đề nghị.
Vẫn giữ quy định “đương sự làm đơn yêu cầu THA”
Theo ông Hiện, hiện có những trường hợp bản án được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm và kết quả xét xử lại trái ngược với việc xét xử ban đầu trong khi tài sản đã thi hành xong. Do đây là vấn đề vướng mắc gây bức xúc nên có nhiều người đề nghị phải có cơ chế giải quyết.
Thế nhưng Ủy ban Tư pháp cho rằng không nên quy định ở luật này mà nghiên cứu bổ sung để đưa vào Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tố tụng hành chính. Để có cơ sở sửa đổi các luật về tố tụng nêu trên thì cần bổ sung quy định vào Điều 170 dự thảo luật. Đó là “khi xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành theo bản án, quyết định bị hủy”.
Ngoài ra để cụ thể hóa quy định tại Điều 106 Hiến pháp về việc bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành, Ủy ban Tư pháp đề nghị bỏ quy định yêu cầu đương sự phải làm đơn yêu cầu THA. Trường hợp người được THA từ bỏ quyền lợi hoặc các bên đương sự tự thỏa thuận được việc THA thì họ làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định đình chỉ.
Song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nên tiếp tục thực hiện quy định đương sự làm đơn yêu cầu THA. “Có những vụ án dân sự người ta chỉ cần tòa tuyên là ông có vay tiền của tôi là đủ, còn việc có đòi số tiền đó hay không thì đó là việc của tôi” - ông Lưu dẫn chứng.
THÀNH VĂN
Đề nghị quy định rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư Cùng ngày, khi thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định ngay trong dự thảo luật thời hạn sử dụng nhà chung cư cũng như cơ chế giải quyết sau khi phá dỡ nhà chung cư hết thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng không cần thiết phải quy định cụ thể thời hạn sử dụng nhà chung cư mà chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản để xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư và giao Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể về nội dung này để bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung về nguyên tắc là nhà ở riêng lẻ cũng cần có thời hạn sử dụng nhất định theo cấp công trình xây dựng để đảm bảo tính thống nhất. Nội dung này cũng phù hợp với trách nhiệm thực hiện phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người và tài sản của chủ sở hữu nhà ở nói chung. Ngoài ra nhiều ý kiến cũng đề nghị cần xem xét lại việc thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội. “Tại sao cứ có một luật ra đời là lại thêm một cái quỹ. Quỹ phát triển nhà ở xã hội định làm gì đây? Quỹ này rồi sẽ hoạt động ra sao?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị nên nghiên cứu, xem xét kỹ về việc thành lập quỹ trên. |