Như đã thông tin đối tượng cướp đem xe của ông Phong lên Đồng Nai để bán nhưng không xong. Cuối tháng 4, đối tượng đem xe về nhà ở Chợ Mới để chờ bán. Thấy xe lạ, cha ruột của đối tượng đã gặng hỏi rồi trình báo công an. Sau khi tiếp nhận thông tin, công an huyện tiến hành điều tra, tạm giữ hai đối tượng cướp xe, thông báo tìm nạn nhân và phát hiện ra người bị hại là ông Phong.
Trả lời báo chí, ông Trương Trung Lập, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết có thể ông Phong bị kỷ luật về việc… bị cướp mà không báo công an. Vì sau khi công an huyện hoàn thành hồ sơ vụ án và có kiến nghị với UBND huyện thì cơ quan này sẽ căn cứ vào quy định pháp luật, quy định về tổ chức Đảng sẽ xem xét việc có kỷ luật ông Phong hay không.
Vậy trường hợp nếu bạn bị cướp giống như ông Phong thì có nghĩa vụ phải trình báo công an hay khộng. Pháp luật TP.HCM giới thiệu các ý kiến của chuyên gia pháp lý về trường hợp này.
Theo bạn khi bị cướp xe máy có phải trình báo hay không?
Phải khai báo, nếu không sẽ bị phê bình xử lý
Một kiểm sát viên tại TP.HCM (đề nghị không ghi tên) và LS Nguyễn Thành Công (đoàn LS TP.HCM) cho rằng, là cán bộ nhà nước thì phải có tinh thần trách nhiệm tố giác tội phạm.
Hai ông cho rằng theo quy định của BLHS thì người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại điều 313 của bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Không tố giác tội phạm là hành vi của một người biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền.
Hành vi của ông Phong là biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại điều 313, BLHS đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền. Việc này xét ở một phương diện nào là tiếp tay tiếp gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn của địa phương.
Do không có thông tin trình báo nên công an đã không kịp triển khai truy bắt tội phạm cũng như nắm bắt tình hình tội phạm để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự cho người dân trên địa bàn quản lý.
Mặt khác, ông Phong là cán bộ, lãnh đạo tại địa phương cần có tinh thần cảnh giác và trách nhiệm tham gia phòng chống tội phạm. Nhưng ông Phong lại không tố giác tội phạm là cần phải phê bình, xử lý…
Không cần trình báo
LS Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM), nói: "Cái xe máy là sở hữu của ông Phong thì việc trình báo, tố cáo là quyền của ông Phong chứ không phải nghĩa vụ. Ông Phong có nghĩa vụ trình báo, hoặc tố cáo trong trường hợp tài sản mà tổ chức, cá nhân khác giao cho ông quản lý mà ông làm hư hỏng, mất mát hay bị cướp".
Tuy không có nghĩa vụ trình báo hay tố cáo nhưng ông Phong có nghĩa vụ tường trình và kê khai một cách trung thực và đầy đủ những gì mình biết có liên quan khi vụ việc đã bị phát hiện và cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp tố tụng cần thiết để giải quyết vụ việc.
Chỉ sau khi vụ việc được phát hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án và có yêu cầu ông Phong hợp tác làm sáng tỏ vụ án mà ông Phong vẫn che giấu những gì mình biết, không hợp tác...gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ vụ án thì mới xem xét đến trách nhiệm của ông Phong.
Tóm lại chỉ vì lý do không trình báo, không tố cáo việc ông Phong bị cướp tài sản của chính bản thân ông Phong thì không có cơ sở để xem xét trách nhiệm hay kỷ luật hành chính ông Phong được.
Khi nào có dấu hiệu hình sự?
Luật sư Nguyễn Hữu Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, cần xét ở hai tình huống.
Trường hợp thứ nhất, ông Phong đang đi trên đường mà bị hai người lạ chặn lại lấy xe, thì chưa thể kết luận ngay là ông đã biết rõ là có tội phạm cướp tài sản được. Việc có hai người lạ chặn lấy xe ông đúng là đã xảy ra một hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản rồi. Nhưng việc xác định hành vị chiếm đoạt tài sản ấy thuộc tội danh gì trong BLHS thì người dân không thể biết và pháp luật cũng không quy định công dân có trách nhiệm phải biết.
Hành vi bị chiếm đoạt tài sản như trường hợp của ông Phong như trên thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu quy định tại chương XIV BLHS. Điều 314 BLHS xác định phạm tội “không tố giác” nếu biết rõ mà không tố giác các tội phạm quy định tại điều 313 BLHS . Trong nhóm bốn tội xâm phạm sở hữu tài sản thì chỉ có tội cướp tài sản là tội phạm bắt buộc người nào biết rõ thì phải tố giác theo quy định trong Điều 313 BLHS . Nên nếu hành vi đoạt xe mà chỉ có dấu hiệu của các tội: Cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt tài sản, thì việc không giác cũng không vi phạm pháp luật Hình sự.
Việc xác định hành vi lấy xe là tội danh gì là thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Chỉ sau quá trình điều tra đầy đủ theo những quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì mới có căn cứ pháp lý xác định nó là tội danh nào. Vì thế không có căn cứ để xử lý ông Phong tội không tố giác khi mà ở thời điểm sự việc xảy ra chính ông cũng không thể nào phân biệt được đó là tội danh gì.
Trường hợp thứ hai, nếu cho đến thời điểm cơ quan tố tụng điều tra sự việc rồi mà ông Phong vẫn không hợp tác với cơ quan tố tụng, cố tình khai báo sai sự thật, che dấu với mục đích cố ý không tố giác tội phạm thì mới có thể rơi vào diện biết rõ mà không tố giác tội phạm.
Mặt khác, BLHS quy định về nguyên tắc xử lý hành vi phạm tội, tại khỏan 3 điều 3 BLHS quy định: Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.
Trường hợp ông Phong bị đoạt xe, không tố giác nếu hành vi chiếm đoạt nầy bị kết luận là tội phạm cướp tài sản, thì nếu với nhân thân lần đầu phạm tội không tố giác tội phạm theo điều 314 BLHS là tội ít nghiêm trọng, thì có thể chỉ bị xử phạt cảnh cáo là đủ trong việc đấu tranh phòng ngửa và chống tội phạm.