Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận nguyên tắc khi tranh chấp phát sinh mà chưa có điều luật điều chỉnh thì áp dụng tập quán hoặc áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự để giải quyết.
Tại hội thảo về nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng do khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức mới đây, ThS - nghiên cứu sinh Nguyễn Đức Phước (Chánh án TAND quận Bình Tân, TP.HCM) cũng đã dẫn chứng cho việc áp dụng nguyên tắc trên trong thực tế.
Sử dụng chà đánh bắt cá là một tập quán lâu đời
Ông Phước nêu bản án phúc thẩm ngày 31-7-2020 của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về yêu cầu chấm dứt hành vi neo đậu, thả chà, khai thác hải sản và tranh chấp quyền sở hữu chà giữa ông H với bị đơn là hai ông T và C. Người liên quan là ông TH.
Một vụ án khác cũng áp dụng tập quán về cây chà
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 93/GĐT-DS ngày 27-5-2002, Tòa Dân sự TAND Tối cao cũng đã ghi nhận tập quán trong nghề đánh cá biển tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó là vụ án “cây chà 19 tiếng”.
Theo đó, TAND Tối cao đã ghi nhận theo tập quán địa phương, người chủ cây chà nếu bỏ không khai thác trong ba tháng thì người khác có quyền khai thác.
Theo nguyên đơn, năm 2018, ông TH là chủ sở hữu hai cây chà đã viết giấy cho ông mượn. Thế nhưng trong lúc tàu cá của ông đang neo đậu tại đây thì tàu cá của phía bị đơn cũng tự ý đến đánh bắt, neo đậu...
Vì vậy, ông H khởi kiện yêu cầu hai ông C, T chấm dứt hành vi neo đậu, thả chà và khai thác thủy sản tại hai điểm chà trên. Phía bị đơn thì không đồng ý và yêu cầu công nhận quyền sở hữu cây chà cho ông T.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Long Điền không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, công nhận một cây chà là sở hữu chung của ông T và ông TH (chủ sở hữu cây chà), cây chà còn lại thuộc sở hữu của ông TH... Sau đó, ông TH kháng cáo.
Xử phúc thẩm, HĐXX nhận định việc sử dụng chà trong đánh bắt cá là một tập quán lâu đời ở các địa phương vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu và một số tỉnh lân cận. Chà là một công trình nhân tạo đặt dưới đáy biển được kết cấu bởi các vật nặng cố định vị trí như xác vỏ tàu thuyền, xác vỏ xe… và các vật liệu liên kết như dây nylon… kết thành khối vật thể tạo bóng mát nhằm thu hút thủy hải sản đến.
Các bên đều thừa nhận chà là một loại tài sản và khi không có nhu cầu sử dụng nữa thì chủ sở hữu có quyền chuyển nhượng cho người khác. Người đầu tiên sáng chà là chủ sở hữu của cây chà đó, việc đồng sở hữu chà là do sự thỏa thuận của ngư dân.
Việc xác lập quyền sở hữu đối với cây chà là do ngư dân tự thực hiện thông qua việc thông báo tọa độ của chà cho các bạn ghe khác, không thông qua thủ tục pháp lý nào khác. Việc chuyển nhượng cũng không phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Đây là tập quán của ngư dân được thừa nhận rộng rãi tại địa phương nơi các đương sự cư trú.
Theo HĐXX phúc thẩm, ông TH và ông T đều không phải là người đầu tiên xác lập quyền sở hữu đối với cây chà này theo tập quán địa phương mà nhận chuyển nhượng từ người khác... Cả hai ông đều đã tiếp nhận cây chà trên sử dụng khai thác và tu bổ, sửa chữa...
Do đó, việc cấp sơ thẩm công nhận một cây chà thuộc về ông T và ông TH là có căn cứ, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán địa phương và lẽ công bằng cho các bên. Từ đó, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông TH...
Áp dụng tập quán là hợp lý
ThS Nguyễn Trần Bảo Uyên (Trường ĐH Luật TP.HCM) đánh giá trong tranh chấp trên, việc tòa án cấp đã dựa vào tập quán và lẽ công bằng cùng với các nguồn luật khác đã tạo nên một phán quyết cân bằng lợi ích giữa các bên đương sự.
Còn theo ThS - nghiên cứu sinh Phước, cây chà được thừa nhận là tài sản theo tập quán nên chủ cây chà có quyền sử dụng, khai thác và chuyển nhượng cho người khác khai thác khi không còn nhu cầu sử dụng.
Do đó, khi đương sự yêu cầu công nhận quyền sở hữu, khai thác và định đoạt cây chà, tòa án phải thụ lý, giải quyết. Việc đương sự yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi neo đậu, thả chà, khai thác hải sản và xác định quyền sở hữu cây chà là thuộc thẩm quyền của tòa án và được giải quyết như tranh chấp về các tài sản thông thường khác.•