Kiện 'chia tay đòi sính lễ', giải quyết sao?

(PLO)- Tranh chấp sính lễ thường được chia làm ba dạng, là những loại tranh chấp phức tạp và chưa có cách giải quyết thống nhất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 14-6, khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Tại hội thảo, ThS Lê Thị Mận thay mặt nhóm tác giả trình bày tham luận về áp dụng tương tự pháp luật trong giải quyết tranh chấp tài sản là sính lễ.

Ba dạng tranh chấp sính lễ

ThS Mận cho biết tranh chấp tài sản là sính lễ là những loại tranh chấp phức tạp và thường được chia làm ba dạng.

Thứ nhất là trong trường hợp quan hệ vợ chồng không được xác lập (từ hôn). ThS Mận lấy ví dụ từ một bản án của TAND tỉnh Tiền Giang mà hai cấp tòa có quan điểm khác nhau. Hai bên gia đình đã tổ chức lễ hỏi, cha mẹ chú rể đã trao quà cưới cho nàng dâu gồm một số nữ trang và tiền mặt. Tuy nhiên, sau đó chị này hủy cưới nên cha mẹ chú rể yêu cầu trả lại sinh lễ với lý do ông bà tặng tài sản với điều kiện là phải kết hôn.

Hội thảo bàn về việc giải quyết các tranh chấp dân sự chưa có điều luật để áp dụng, trong đó có việc kiện đòi sính lễ. Ảnh: YC

Hội thảo bàn về việc giải quyết các tranh chấp dân sự chưa có điều luật để áp dụng, trong đó có việc kiện đòi sính lễ. Ảnh: YC

Yêu cầu này đã được tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận, song cấp phúc thẩm cho rằng việc hôn nhân không thành có phần lỗi của chú rể nên anh này phải chịu phần trách nhiệm (về tài sản) phát sinh từ lỗi này. Từ đó, tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, buộc nàng dâu chỉ phải trả lại phần sính lễ tương ứng lỗi của mình.

ThS Mận cho rằng việc tòa án cấp phúc thẩm vận dụng tương tự pháp luật, xác định việc trao nhận sính lễ là “giao dịch dân sự có điều kiện” (đồng nghĩa là một giao dịch tặng cho tài sản có điều kiện) là chấp nhận được. Bởi đối sánh với pháp luật và thực tiễn, khi trao nhận sính lễ, dù các bên không khẳng định việc trao nhận là một giao dịch tặng cho có điều kiện nhưng thực tế đã tồn tại hành vi tặng cho. Đồng thời, việc trao sính lễ cũng chỉ thực hiện sau khi gia đình hai bên đã định rõ ngày cưới nên có thể suy luận trong hoàn cảnh này, khi trao sính lễ đã có điều kiện ngầm định giữa các bên là việc kết hôn sẽ diễn ra trong tương lai...

Dạng tranh chấp thứ hai là tranh chấp sính lễ trong trường hợp vợ chồng muốn ly hôn. Theo ThS Mận, các tranh chấp này thường tồn tại dưới hình thức một bên chồng, vợ với tư cách nguyên đơn yêu cầu hoặc với tư cách bị đơn phản tố yêu cầu bên còn lại hoàn trả hoặc chia tài sản là sính lễ. Tòa án thường theo hướng xem việc trao nhận sính lễ là giao dịch tặng cho tài sản đã phát sinh hiệu lực (vì hôn nhân đã xác lập) và áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết tranh chấp ly hôn, quyết định không chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền sính lễ vì không có căn cứ.

Điển hình như vụ án ly hôn giữa chị S và anh L. Anh L đưa ra yêu cầu phản tố buộc chị S phải trả lại tiền sính lễ là 25 triệu đồng (gồm tiền và giá hiện vật là thịt heo). Theo anh L, ở quê anh, khi ly hôn cô dâu phải trả lại tiền sính lễ. Quá trình giải quyết vụ án, qua văn bản của cơ quan nhà nước xác nhận tại địa phương không có tập quán nhà gái phải trả lại tiền sính lễ cho nhà trai khi ly hôn.

Trường hợp thứ ba là tranh chấp sính lễ sau khi vợ chồng ly hôn. Theo ThS Mận, do chưa có khung pháp lý điều chỉnh nên tòa án đã áp dụng tập quán và (hoặc) tương tự pháp luật để giải quyết. Chẳng hạn, theo bản án ngày 5-7-2018 của TAND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, anh X và chị T đã ly hôn theo phán quyết của tòa, sau đó phát sinh tranh chấp khoản tiền sính lễ.

Tòa án nhận định việc nhà trai giao tiền cho nhà gái là hoàn toàn tự nguyện, điều này phù hợp với truyền thống và phong tục, tập quán về cưới hỏi. Pháp luật cũng như phong tục, tập quán cũng không quy định trường hợp vợ chồng ly hôn thì nhà gái có trách nhiệm trả lại tiền mà nhà trai đã đưa để tổ chức lễ cưới, các chi phí tổ chức tiệc cưới cũng đã chi xong nên việc đòi lại số tiền này là không đúng...

Chưa thống nhất cách giải quyết

ThS - nghiên cứu sinh Nguyễn Đức Phước (Chánh án TAND quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết thực tiễn xét xử tại TAND quận Bình Tân chưa áp dụng tập quán nào. Một phần nguyên nhân là do thực tế tập quán thường ở khu vực nông thôn, ở TP cuộc sống thay đổi thường xuyên, khó hình thành tập quán.

Về tranh chấp sính lễ, ông Phước cho rằng hiện nay vẫn chưa thống nhất cách giải quyết, một số trường hợp trả lại sính lễ, một số trường hợp trả một phần bằng việc xác định lỗi của ai trong việc dẫn đến việc hủy hôn... Theo quan điểm của ông Phước, phán quyết buộc nàng dâu phải hoàn trả một phần sính lễ (trong bản án của TAND tỉnh Tiền Giang mà ThS Mận nêu) là có căn cứ. Trong vụ án này, HĐXX căn cứ vào lỗi của mỗi bên để xác định việc vi phạm nghĩa vụ và chịu trách nhiệm với bên có quyền.

Ông Phước cũng đặt vấn đề về việc hiện nay các tập quán về hôn nhân và gia đình chưa được xây dựng theo quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nên chưa được sử dụng trong hoạt động xét xử các tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

Điều 6 Nghị định 126/2014 (hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình) quy định trong thời hạn ba năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, trình HĐND cùng cấp phê duyệt danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương. Căn cứ vào thực tiễn áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp sửa đổi, bổ sung danh mục tập quán đã ban hành. Tuy nhiên, đến nay quy định này vẫn không được triển khai. Do đó, theo ông Phước, nên bỏ quy định tại Điều 6 Nghị định 126 nêu trên và áp dụng theo Điều 5 BLDS 2015 (về áp dụng tập quán).

Nguyên tắc áp dụng tập quán, tương tự pháp luật

BLDS 2015 quy định tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Ngoài ra, trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm