Tranh chấp chiếc máy rửa... 1.000 ly trong 1 giờ

Chiếc máy rửa ly là một sáng chế của ông Nguyễn Duy Linh (quận 3, TP.HCM). Vào năm 2014, ông Linh chế được một chiếc máy rửa ly, có thể rửa 1.000 chiếc ly trong vòng 1 giờ. Công suất tiêu thụ điện 1,5 kWh, giá bán 5 triệu đồng/máy, cạnh tranh so với nhiều máy rửa ly ngoại nhập.

Ông Nguyễn Duy Linh sau phiên xử sáng 22-2

Bán sáng chế khi chưa có bằng

Ông Nguyễn Hoàng Lâm đã đề nghị ông Linh chuyển giao công nghệ chiếc máy rửa ly này. Hai bên ký biên bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ. Theo đó, ông Linh bán công nghệ này cho ông Lâm với giá 280 triệu đồng.

Thanh toán đợt đầu 170 triệu đồng khi ký hợp đồng có công chứng (vì chuyển giao công nghệ thì cần có bằng sáng chế mà ông Linh chưa làm thủ tục cấp bằng. Ngoài ra, có bằng thì phải ra công chứng cũng mới hiệu lực). Đợt hai thanh toán sau khi ông Lâm nhận xong chuyển giao và sản xuất, bán được chiếc máy đầu tiên ra thị trường.

Hai bên cũng thỏa thuận: Ông Linh không được bán sản phẩm ra thị trường, phải chuyển số khách hàng còn lại cho ông Lâm, không chuyển giao công nghệ này cho bất cứ ai...

Ông Linh cũng phải hỗ trợ cho ông Lâm đăng ký được sáng chế; đảm bảo sáng chế của mình được cấp bằng và chịu phí luật sư cho đến khi hai bên hoàn tất việc chuyển giao... Nếu bên nào không thực hiện thì bồi thường gấp đôi giá trị thiệt hại cho bên kia.

Song song đó, hai bên cũng ký hợp đồng vay tiền, ông Lâm cho ông Linh vay 100 triệu đồng, thời hạn vay là ba tháng, không lãi suất. Ông Linh đã nhận 100 triệu đồng này vào tháng 9-2014.

Sau sáu tháng ký biên bản nói trên, ông Linh cho rằng ông Lâm không có thiện chí mua công nghệ nên đã tự mình tiếp tục sản xuất chiếc máy rửa ly và bán máy ra thị trường.

Ông Lâm khởi kiện, đòi ông Linh trả lại 100 triệu đồng đã đưa.

Nhà sáng chế Nguyễn Duy Linh bên chiếc máy rửa ly của mình, tại nhà riêng chiều 22-2. Ảnh: Quỳnh Như

Bán máy... trên báo

Khi tòa giải quyết vụ việc, ông Linh làm đơn phản tố. Ông cho rằng ông Lâm vi phạm hợp đồng chuyển giao, gây thiệt hại về kinh tế cho ông khoảng 450 triệu đồng. Do đó, ông Linh đòi ông Lâm trả 450 triệu đồng, trừ đi 100 triệu đồng đã nhận trước thì còn phải trả cho ông Linh 350 triệu đồng.

Con số "thiệt hại" này ông Linh cho rằng trong sáu tháng ngưng sản xuất chờ chuyển giao nên ông không bán được máy. Lẽ ra ông có thể bán 15 máy/tháng, lời 2,5 triệu đồng/máy nên tổng "thiệt hại" trong sáu tháng là 225 triệu đồng. Vì biên bản có thỏa thuận đền gấp đôi nên ông Linh tính thành 450 triệu đồng!

Tuy nhiên, khi tòa yêu cầu chứng minh, ông Linh không có hóa đơn để chứng minh có bán được máy. Ông cho rằng việc bán máy của ông rất chạy, đã được đăng trên nhiều... tờ báo!

Khi tòa tiến hành hòa giải, bên ông Lâm muốn tiếp tục mua công nghệ nhưng ông Linh không đồng ý. Ông cho rằng công ty ông Lâm không có thiện chí phát triển sản phẩm.

Ngày 19-8-2016, Tòa Dân sự TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm.

Sáng nay, 22-2, phiên phúc thẩm vẫn giữ nguyên án sơ thẩm. Theo đó, giấy vay nợ là giả tạo nhằm thanh toán cho biên bản chuyển giao công nghệ nên cả hai giấy này đều vô hiệu. Do ông Linh không chứng minh được những thiệt hại của mình nên tòa không xem xét thiệt hại 450 triệu đồng mà ông nói. Tòa quyết định các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Ông Linh phải trả lại 100 triệu đồng cho ông Lâm.

Chiếc máy rửa ly do ông Linh sáng chế nhỏ, gọn, dễ dàng đặt trên mặt bếp. Người dùng cầm ly đưa vào máy. Máy sẽ cọ rửa chiếc ly trong 3 giây sạch boong. Nước rửa chảy xuống một xô hứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới