Tranh chấp đất đai: Tòa chỉ hòa giải khi xã, phường đã hòa giải

Luật Hòa giải, đối thoại (HG-ĐT) tại tòa án có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Luật quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về HG-ĐT tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên (HGV) tại tòa án, các bên tham gia HG-ĐT tại tòa án; trách nhiệm của tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục HG-ĐT và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.

Thực tiễn triển khai thi hành luật đã phát sinh một số vướng mắc về nghiệp vụ HG-ĐT tại tòa án. Từ đó, TAND Tối cao ban hành Văn bản 01/2021 ngày 1-7 giải đáp các thắc mắc.

Tranh chấp đất đai phải hòa giải ở xã, phường

Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức HG-ĐT tại tòa án. Tuy nhiên, theo TAND Tối cao, đối với những tranh chấp về quyền sử dụng đất và tranh chấp ranh giới thửa đất mà chưa qua thủ tục hòa giải ở xã, phường thì không được hòa giải theo Luật HG-ĐT tại tòa án, vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

TAND Tối cao lý giải: Theo khoản 2 Điều 1 Luật HG-ĐT tại tòa án thì hòa giải được thực hiện đối với những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa theo quy định của BLTTDS.

Tòa có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai, được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án).

Tòa công nhận kết quả, không cần thụ lý

Theo TAND Tối cao, nếu việc HG-ĐT tại trung tâm HG-ĐT được thực hiện thành công thì thẩm phán được phân công sẽ xem xét và ra quyết định công nhận kết quả. Tòa không phải thực hiện thủ tục thụ lý trước khi xem xét công nhận kết quả.

Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả, HGV chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho tòa để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, lãnh đạo tòa án phân công thẩm phán theo Điều 32 Luật HG-ĐT tại tòa án. Đây là 12 thủ tục riêng được quy định trong Luật HG-ĐT tại tòa án, không qua thủ tục thụ lý như vụ án dân sự, hành chính theo quy định của các luật tố tụng.

Riêng trường hợp ngay sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả HG-ĐT theo quy định của Luật HG-ĐT tại tòa án mà các bên tự nguyện thi hành ngay các thỏa thuận, thống nhất và không yêu cầu thì tòa không ra quyết định công nhận kết quả.

Theo TAND Tối cao, thẩm phán xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành không bắt buộc phải là thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn đối với việc xem xét ra quyết định của thẩm phán, chánh án nên phân công thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả HG-ĐT đồng thời là thẩm phán xem xét ra quyết định công nhận kết quả.

Luật sư có thể làm hòa giải viên

Về vấn đề HGV có thể kiêm nhiệm công tác khác hay không, TAND Tối cao giải đáp: Luật HG-ĐT tại tòa án không cấm HGV kiêm nhiệm công tác khác. Hội thẩm nhân dân, luật sư, HGV thương mại của trung tâm hòa giải thương mại... nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 Luật HG-ĐT tại tòa án có thể được lựa chọn, bổ nhiệm HGV.

Một vấn đề được đặt ra là vụ việc được giải quyết tại tòa án cấp huyện thì người khởi kiện, người yêu cầu có quyền lựa chọn HGV của TAND cấp tỉnh hay không và ngược lại?

TAND Tối cao cho rằng theo điểm c khoản 1 Điều 8 Luật HG-ĐT tại tòa án thì các bên tham gia HG-ĐT có quyền lựa chọn HGV trong danh sách HGV của tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện thì có thể lựa chọn HGV của TAND cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với TAND cấp tỉnh.

Như vậy, trường hợp tranh chấp, yêu cầu được giải quyết tại tòa án cấp huyện thì người khởi kiện, người yêu cầu có quyền lựa chọn HGV trong danh sách HGV của tòa án cấp huyện khác mà không có quyền lựa chọn HGV của tòa án cấp tỉnh.

Trường hợp tranh chấp, yêu cầu được giải quyết tại tòa án cấp tỉnh thì người khởi kiện, người yêu cầu có quyền lựa chọn HGV trong danh sách HGV của tòa án cấp tỉnh đó mà không có quyền lựa chọn HGV của tòa án cấp huyện.

 

Hòa giải viên xử lý sao khi một bên bị lừa dối, đe dọa?

Tình huống: Sau khi các bên đã thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu kiện mà một bên phát hiện bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì HGV xử lý thế nào?

TAND Tối cao giải đáp: Theo Điều 3, Điều 33 và Điều 36 Luật HG-ĐT tại tòa án thì sau khi các bên đã thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu kiện mà một bên phát hiện bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì HGV hướng dẫn, hỗ trợ các bên thỏa thuận lại việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Nếu các bên không thỏa thuận lại thì HGV hướng dẫn bên bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép yêu cầu tòa xem xét nếu tòa tiến hành thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; hoặc đề nghị tòa xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm