Tranh chấp hy hữu: Yêu cầu mở lại đường không còn tồn tại từ 30 năm

(PLO)- Sau khi thi hành án một bản án có hiệu lực pháp luật, người dân ở Đắk Lắk yêu cầu mở lại con đường không còn tồn tại từ 30 năm qua.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-6, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã báo cáo UBND TP Buôn Ma Thuột việc bà NTH yêu cầu mở lại con đường hơn 30 năm trước.

Yêu cầu mở lại con đường không còn tồn tại

Trước đó, bà H có đơn đề nghị chính quyền mở lại con đường ở thôn 13, xã Hòa Phú để gia đình bà và các hộ dân sản xuất đi lại.

Mở lại con đường 2.jpg
Theo ông Nguyễn Trung Dương, việc mở đường sẽ ảnh hưởng đến một phần căn nhà con gái của ông. Ảnh: T.T

Theo UBND xã Hòa Phú, năm 1993, bà H và gia đình ông Đậu Văn Lục đổi đất để làm đường đi chung giữa hai gia đình.

Sau đó, ông Lục chuyển nhượng lại đất cho ông Nguyễn Trung Dương. Thời điểm ông Lục bán đất đã không còn tồn tại lối đi chung với bà H trên thực tế. Tuy nhiên, trên bản đồ địa chính vẫn thể hiện có đường. Sau khi mua đất, ông Dương sử dụng ổn định đến nay.

Năm 2017, ông Dương xây nhà cho con gái thì xảy ra tranh chấp với bà H. Nhiều lần, chính quyền xã Hòa Phú hòa giải nhưng không thành.

Bà H khởi kiện ông Dương ra tòa. Xử sơ thẩm năm 2022, TAND TP Buôn Ma Thuột chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc ông Dương trả lại hơn 300 m2 đất. Phía nguyên đơn có trách nhiệm bù hơn 5 triệu đồng là giá trị cây cà phê trồng trên đất cho bị đơn là ông Dương.

Bản án sơ thẩm của TAND TP Buôn Ma Thuột không bị kháng cáo, kháng nghị của các bên liên quan. Năm 2023, Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột phân công chấp hành viên phối hợp với UBND xã Hòa Phú, các cơ quan thẩm quyền, các đương sự xác định tứ cận, hiện trạng để bàn giao tài sản cho bà H.

Sau đó, các bên thống nhất, cắm mốc ranh giới và ông Dương rào lưới lại khi đã giao trả phần đất cho bà H.

Theo biên bản của Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột, thời điểm bàn giao tài sản, bà H không có ý kiến gì và công nhận nhận đúng, đủ tài sản.

Tuy nhiên, sau đó bà H có đơn thư, yêu cầu UBND xã Hòa Phú mở lại con đường là lối đi chung của gia đình bà và gia đình ông Dương.

Sẽ đo đạc nhưng chưa mở đường

Theo trình bày của ông Dương, khi ông mua đất đã không còn lối đi chung. Vì vậy, ông không đồng ý việc cắm mốc, mở đường theo yêu cầu của bà H.

Cũng lời ông Dương, hoàn cảnh con gái ông khó khăn. Vì vậy, ông mới cho con gái dựng nhà, ở nhờ trên đất của mình.

“Nếu mở đường thì sẽ phải đập một phần nhà của con gái tôi. Tôi nhường thêm đất cũng được. Tuy nhiên, con gái tôi khổ lắm! Việc mở đường là không đúng và sẽ khiến nhà con gái tôi bị ảnh hưởng nặng”- ông Dương nói.

mở lại con đường.jpg
Hàng rào được dựng lên sau vụ kiện giữa bà H và ông Dương. Ảnh: T.T

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú, khi bà H có yêu cầu mở đường, UBND xã Hòa Phú đã họp lấy ý kiến người dân thôn 13 và thôn 3. Người dân cả hai thôn không đồng ý việc mở con đường vì không có nhu cầu sử dụng.

Ông Quang khẳng định trên thực tế, từ rất lâu đã không còn tồn tại con đường chung giữa phần đất của ông Dương và bà H. Tuy nhiên, trên quy hoạch vẫn thể hiện có con đường chung.

Vì vậy, UBND xã Hòa Phú sẽ thuê đơn vị đo đạc về cắm mốc, xác định tim tuyến đường đúng với tim tuyến, mốc giới.

“Việc đo đạc, cắm mốc là để giữ con đường theo quy hoạch. Khi nào có chủ trương làm đường thì mới giải phóng mặt bằng để làm. Hiện chính quyền TP, xã không có chủ trương, người dân không có nhu cầu nên không phải cắm mốc là sẽ làm đường”- ông Quang nói.

Phó chủ tịch xã: "Do cái tôi quá lớn!"

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú, vụ việc trên rất nhỏ nhưng tranh chấp đã kéo dài nhiều năm qua, chính quyền địa phương phải nhiều lần giải quyết, hòa giải.

"Có thời điểm, UBND xã Hòa Phú đã hòa giải thành nhưng rút cuộc hai bên lại phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp vì cái tôi cá nhân quá lớn!"- ông Quang nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm