Gần đây, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử phúc thẩm vụ ông Q. khởi kiện yêu cầu hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ Hòn Rớ của UBND TP Nha Trang. Vụ án này gây chú ý ở chỗ hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã có nhận định khác nhau về việc xác định quan hệ tranh chấp…
Sơ thẩm: Án kinh doanh thương mại
Trước đó, tháng 11-2015, ông Q. khởi kiện ra TAND TP Nha Trang. Trong đơn ông trình bày rằng ông là một trong bốn nhà thầu tham gia đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ Hòn Rớ. Kết quả cuối cùng là Công ty TNHH Đ. đã trúng thầu.
Ông Q. cho rằng từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu đến thời điểm thông báo kết quả xét chọn thầu, hội đồng xét chọn thầu của UBND TP Nha Trang đã có nhiều sai phạm như áp dụng sai pháp luật trong đấu thầu, hình thức hồ sơ mời thầu không hợp pháp, không đúng Luật Đấu thầu và Quy chế về đấu thầu, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được ban hành kèm theo Quyết định số 38/2011 của UBND tỉnh… Những sai phạm trên đã dẫn tới việc kết quả lựa chọn nhà thầu không hợp pháp.
Từ đó, ông Q. yêu cầu TAND TP Nha Trang hủy Quyết định số 3666 ngày 2-10-2015 của UBND TP Nha Trang về phê duyệt kết quả đấu thầu và công nhận đơn vị trúng thầu gói thầu trên.
Làm việc với tòa, phía UBND TP Nha Trang không chấp nhận yêu cầu của ông Q. vì cho rằng mình đã thực hiện đúng quy định về đấu thầu chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Những lý do mà ông Q. nêu ra để hủy Quyết định số 3666 là không có căn cứ. Trước đó, ông Q. có đơn tố cáo gửi UBND TP Nha Trang và Thanh tra TP đã có kết luận, trong đó cũng kết luận những vấn đề mà ông Q. nêu ra làm căn cứ khởi kiện...
Đại diện Công ty TNHH Đ. (đơn vị trúng thầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) trình bày rằng quá trình xét chọn thầu, UBND TP Nha Trang đã thực hiện đúng quy định về đấu thầu chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Hội đồng xét chọn thầu công khai, vô tư, khách quan, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nên Công ty Đ. không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Q.
TAND TP Nha Trang nhận định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án là “kết quả đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ”. Theo tòa, đây là vụ án kinh doanh thương mại vì các bên đều có mục đích lợi nhuận. Tháng 7-2016, tòa này đã xử sơ thẩm, áp dụng các quy định pháp luật về đấu thầu và tố tụng dân sự để bác yêu cầu khởi kiện của ông Q.
Phúc thẩm: Án hành chính
Sau đó ông Q. kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông. Tại phiên xử phúc thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa gần đây, ông Q. tiếp tục giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.
Theo đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa, việc UBND TP Nha Trang tổ chức đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ Hòn Rớ là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý và phát triển chợ. Ông Q. không đồng ý với kết quả đấu thầu và khởi kiện yêu cầu tòa án hủy Quyết định số 3666 của UBND TP Nha Trang, điều đó có nghĩa đối tượng mà ông khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tuyên hủy là quyết định hành chính. Do vậy cần xác định đây là vụ án hành chính và phải giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính.
“Tòa sơ thẩm xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp kết quả đấu thầu là không đúng pháp luật về quan hệ tranh chấp, đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa Hành chính TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết” - đại diện VKS nói.
Đồng tình, HĐXX phân tích: Theo khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2010 và khoản 1 Điều 3 Luật TTHC 2015 thì Quyết định số 3666 của UBND TP Nha Trang là quyết định hành chính, được UBND TP Nha Trang ban hành theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chợ. Ông Q. khiếu kiện quyết định này thuộc thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính.
Theo HĐXX, Điều 1 Chương I Quy chế về đấu thầu kinh doanh (ban hành kèm theo Quyết định số 38/2011 của UBND tỉnh Khánh Hòa) quy định mục đích đấu thầu như sau: “Việc đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và từng bước thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động của chợ; thực hiện văn minh thương mại, thực hiện tốt đời sống nhân dân trên địa bàn dân cư, tăng thu ngân sách nhà nước, duy trì, nâng cấp và đầu tư phát triển chợ, giữ gìn vệ sinh và an ninh trật tự tại các chợ trên địa bàn tỉnh”.
Như vậy, việc UBND TP Nha Trang tổ chức đấu thầu và ra quyết định công nhận đơn vị trúng thầu là thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không có mục đích lợi nhuận nên không phải chủ thể trong vụ án kinh doanh thương mại. Yêu cầu của ông Q. trong vụ kiện này phải được giải quyết theo Luật TTHC. Tòa sơ thẩm xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại và thụ lý, giải quyết theo pháp luật tố tụng dân sự là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Từ các phân tích trên, HĐXX đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa Hành chính TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm (theo Luật TTHC 2015, yêu cầu hủy quyết định hành chính của UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp tỉnh - NV).
Quy định liên quan 1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. 2. Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. (Theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật TTHC 2015) |