“Bao nhiêu năm bị bệnh, phải chịu rất nhiều ca phẫu thuật nhưng em không đau bằng hôm nay khi phải ra tòa để đòi lại những gì thuộc về mình. Tim em cứ đau nhói…”. Đó là lời tâm sự của chị An Thị Ngọc Ngân, nguyên đơn trong vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản mà TAND TP.HCM xử phúc thẩm trong ngày 29-5. Bị đơn vụ án này không ai khác chính là cha của nguyên đơn, ông An Ngọc Thanh.
Nguồn gốc từ khoản tiền từ thiện
Ngân năm nay 24 tuổi nhưng đã có 22 năm chống chọi với bệnh hiểm nghèo - căn bệnh bướu máu chân phải khi mới sinh. Khi mới lên hai, Ngân đã bị tháo bỏ chân phải mới giữ được mạng sống. Không chỉ thế, hiện nay chân trái của Ngân cũng bị biến dạng, lưng bị vẹo sang một bên, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn… Nhà nghèo, để có tiền chữa bệnh cho con, bà Bùi Thị Liêm (mẹ Ngân) đã nhờ đến báo chí lên tiếng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Theo hồ sơ, khi nhận được tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm do báo chí chuyển đến trao tặng con gái, bà Liêm lo viện phí, thuốc men và tiền phẫu thuật tháo khớp háng cho Ngân. Số còn lại, bà đi mua một mảnh đất và xây dựng được căn nhà ở phường An Khánh, quận 2. Do căn nhà nằm trong khu giải tỏa nên gia đình Ngân được suất tái định cư một căn hộ ở chung cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) và được bồi thường thêm 237 triệu đồng.
Năm 2008, ông Thanh và bà Liêm ly hôn. Trong bản án ly hôn, ông Thanh đã đồng ý giao lại căn hộ chung cư cho mẹ con bà Liêm ở, không tranh chấp. Nhưng khi lấy vợ khác, ông Thanh quay lại đòi tiền đền bù và chia đôi căn hộ chung cư ở Thạnh Mỹ Lợi. Ông Thanh cho rằng trước đây ông có căn nhà ở TP Tân An (Long An) nhưng do Ngân bệnh nên đã bán. Sau đó ông được một người quen nhường lại cho miếng đất và xây nên căn nhà ban đầu ở quận 2 (căn nhà bị giải tỏa - PV). Theo ông, toàn bộ tiền xây căn nhà đó do ông bỏ ra nên nay ông phải đòi lại là đương nhiên.
Từ đó Ngân kiện ra tòa tranh chấp với cha.
Xử sơ thẩm, TAND quận 2 chấp nhận đơn kiện của Ngân.
Tuy nhiên, ông Thanh kháng cáo bản án này. Trong đơn kháng cáo, ông Thanh cho rằng căn hộ ở chung cư Thạnh Mỹ Lợi phải chia đều cho cả ba người con của ông và bà Liêm. Ngoài ra, căn hộ này phải do ông đứng tên chứ không phải Ngân. “Dù tiền của các nhà hảo tâm nhưng cũng có công sức của tôi. Vì tôi là cựu chiến binh, là cha Ngân. Lúc xây căn nhà, tôi cũng bỏ công và chăm sóc cho Ngân” - ông viết trong đơn.
Hỗ trợ cho người bệnh chứ không phải cho cả gia đình
Dù khẳng định tiền xây nhà là do mình bỏ ra nhưng trong quá trình tòa giải quyết vụ án, ông Thanh không đến tòa mà ủy quyền cho người khác. Ngược lại, dù phải di chuyển bằng bàn chân trái dị tật và chiếc nạng gỗ, chị Ngân vẫn đến tòa từ đầu đến cuối.
Trả lời tòa, Ngân nói trong nước mắt: “Mỗi lần vào bệnh viện, phải cận kề với cái chết, con đã rất cần ba. Trong cơn hấp hối, con đã nói mẹ gọi điện thoại cho ba đến, ba đến được một tý là đi. Từ đó mỗi lần con cần ba, gọi điện thoại cho ba, ba đâu có đến. Vậy mà hễ bực là ba đánh mẹ, đánh con và kêu con chết đi cho rảnh. Con sống được như hôm nay là nhờ mẹ. Căn nhà là của các nhà hảo tâm cho con, con sẽ giữ để mẹ và các anh chị ở”.
Ngân cho biết số tiền được bồi thường thêm (237 triệu đồng) đã chia đều cho mọi người trong gia đình, trong đó có cả ông Thanh. “Giờ con bị bệnh, tháng nào cũng phải vào viện điều trị và chẳng làm được gì, tiền bồi thường còn một ít phải để dành để mẹ lo cho con”.
Đến đây, tòa nhắc người đại diện của ông Thanh về nói với ông Thanh rằng: “Ông Thanh là cha, Ngân là con thì khi con bị bệnh hiểm nghèo cả cha và mẹ đều có trách nhiệm phải lo. Tiền của các nhà hảo tâm ủng hộ là để cho chị Ngân chữa bệnh, xây một mái nhà cho Ngân ở chứ không phải đến hôm nay ra tòa tranh chấp”.
Tòa ra quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 5-6 tới.
Tâm sự với chúng tôi, Ngân nói: “Kiện ba ra tòa, em nhận được nhiều lời chỉ trích lắm. Nhưng em phải làm vì ba quá đáng lắm. Ba đã lấy vợ rồi còn về nhà đánh mẹ, đánh em, đuổi mẹ và em ra khỏi nhà. Ba nói nhà này là của ba, ba sẽ bán đi rồi chia đôi, ba một phần, mấy mẹ con em một phần. Em làm vậy là để sau này em mất, mẹ có căn nhà mà ở. Và hơn hết, căn nhà là nhờ có tiền hỗ trợ của những nhà hảo tâm mới có, em phải giữ và trân trọng nó. Giờ em chỉ muốn vụ án kết thúc, không muốn phải nhích từng bước chân đến tòa nữa. Em mệt mỏi lắm…”.
NGỌC THÂN