Tranh luận về ‘hành vi quan hệ tình dục khác’

Cuối tuần qua, TAND Tối cao phối hợp cùng UNICEF tổ chức tọa đàm tham vấn dự thảo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 2015 về các tội xâm hại tình dục. Nhiều vấn đề pháp lý xung quanh các tội danh này được các đại biểu mổ xẻ, góp ý nhằm đi đến thống nhất khi ban hành nghị quyết hướng dẫn.

Dự thảo và các ý kiến có nhiều từ ngữ gọi tên và mô tả hành vi rất “khó nghe”, Pháp Luật TP.HCM đã cố gắng giản lược, song do nó gắn liền với các vấn đề pháp lý nên bài viết khó tránh khỏi cảm giác khó chịu cho bạn đọc.

Thế nào là “giao cấu” và “hành vi quan hệ tình dục khác”?

Theo dự thảo lần ba vừa được công bố, giao cấu là hành vi đưa dương vật thâm nhập vào âm đạo, không phân biệt mức độ nông hay sâu. Trong khi đó, hành vi quan hệ tình dục khác là một trong các hành vi sau đây vì mục đích tình dục:

a) Đưa dương vật thâm nhập vào miệng, hậu môn;

b) Đưa các bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) thâm nhập vào âm đạo, hậu môn;

c) Đưa dụng cụ tình dục thâm nhập vào âm đạo, hậu môn hoặc miệng;

d) Đưa vật khác (không phải dụng cụ tình dục) thâm nhập vào âm đạo, hậu môn.

Với mỗi hành vi trên, dự thảo nghị quyết đều quy định rõ “không phân biệt mức độ nông hay sâu”.

Góp ý sau đó, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Dương Tuyết Miên cho rằng theo từ điển tiếng Việt, “thâm nhập” không mang ý nghĩa xấu và đề nghị thay thế bằng từ “xâm nhập”. Ý kiến này được nhóm soạn thảo tiếp thu ngay sau đó.

PGS-TS Trần Văn Độ phân tích quan hệ tình dục có hai loại. Quan hệ có xâm nhập (quan hệ âm đạo, hậu môn, quan hệ bằng miệng) và quan hệ không xâm nhập (dùng bộ phận sinh dục của người này tiếp xúc với bộ phận sinh dục của người khác hoặc dùng tay xoa bên ngoài bộ phận sinh dục…). “Chúng ta không phân biệt giới tính chủ thể của tội phạm và nạn nhân, tất cả trường hợp đều như nhau” - ông Độ nói và cho rằng nếu hướng dẫn “chỉ có xâm nhập” là thu hẹp phạm vi của luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy chia sẻ bà mới được tiếp cận dự thảo, chưa có thời gian nghiên cứu sâu. “Có vẻ dự thảo vẫn đang tiếp cận theo hướng truyền thống, chủ thể của tội hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em là nam giới. Thực tế nữ giới cũng có thể là chủ thể của tội hiếp dâm. Chẳng hạn, trường hợp nữ giới cho nam giới sử dụng chất kích thích mạnh, sau đó ép buộc, dụ dỗ nam giới thực hiện hành vi giao cấu” - bà Thủy nêu băn khoăn.

“Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy theo từ điển Oxford hoặc pháp luật hình sự một số bang của Mỹ thì giao cấu cũng được hiểu theo cách truyền thống như dự thảo nghị quyết” - ông Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao), cho hay. Ông Công giải thích: “Quan hệ nam-nam chẳng hạn, xếp vào hành vi quan hệ tình dục khác”.

Bố chồng quan hệ với con dâu là loạn luân

Một trong những nội dung gây nhiều tranh luận liên quan tới hướng dẫn tình tiết tăng nặng “có tính chất loạn luân”. Theo dự thảo nghị quyết, có tính chất loạn luân là một trong các trường hợp sau:

a) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;

b) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với cô, dì, chú, bác, cháu ruột;

c) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;

d) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với con nuôi, bố mẹ nuôi;

đ) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

Ông Nguyễn Chí Công cho biết quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, một số ý kiến cho rằng nội dung hướng dẫn trên là quá rộng. Tuy nhiên, nhóm soạn thảo nhấn mạnh “có tính chất loạn luân” có nội hàm rộng hơn “loạn luân” được quy định tại Điều 184 BLHS 2015. “Mặt khác, các hành vi như hướng dẫn tại dự thảo đều là các trường hợp trái với luân thường, đạo lý và truyền thống của người Việt Nam, do đó cần phải hướng dẫn như dự thảo nghị quyết” - ông Công nói thêm.

Trong phiên thảo luận giữa nhóm soạn thảo và các chuyên gia sau đó, bà Dương Tuyết Miên cho rằng “loạn luân” phải liên quan đến yếu tố dòng máu, huyết thống. Theo bà, trường hợp bố dượng ngủ với con riêng của vợ hay quan hệ bố chồng- nàng dâu là hành vi đáng lên án nhưng có nhiều biện pháp để xử lý.

“Chúng ta chỉ xử lý hình sự những trường hợp thực sự cần thiết. Những trường hợp thực sự cần thiết này được hiểu là ngoài việc bị lên án về mặt đạo đức, nó còn ảnh hưởng, gây hại đến giống nòi, mà muốn vậy phải liên quan đến yếu tố huyết thống. Một khi chúng ta quy định là tình tiết tăng nặng thì nó phải thực sự đáng để xử nặng” - bà nói và đề nghị chỉ mở rộng đến điểm (b).

Theo nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn, có hai cách giải thích về “loạn luân”. Giải thích rộng căn cứ theo cơ sở quan hệ huyết thống, quan hệ pháp lý, thậm chí còn dựa trên quan hệ dòng họ. Quan niệm này ở mỗi nước không giống nhau. Cách giải thích thứ hai theo nghĩa hẹp chỉ trên cơ sở quan hệ huyết thống. Thực tiễn lập pháp ở nước ta, quan niệm về loạn luân luôn được hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ dựa trên quan hệ huyết thống, thậm chí là trong phạm vi hẹp của quan hệ huyết thống.

Ông Hoàn đồng tình cần mở rộng khái niệm loạn luân. Ngoài điểm (a), (b), ông đề nghị cân nhắc điểm (d) là quan hệ giữa bố mẹ nuôi và con nuôi, bởi đây là mối quan hệ pháp lý trực tiếp giữa người phạm tội và nạn nhân. “Không nên giải thích trường hợp (c), (d) vì mở quá rộng và xử nặng thì không phù hợp” - ông Hoàn nói.

Theo các chuyên gia của UNICF, BLHS 2015 nêu ra các quy định xử phạt những hình thức tấn công liên quan đến hiếp dâm và quan hệ tình dục ép buộc; “giao cấu” và “các quan hệ tình dục khác” đối với cả người chưa thành niên và người lớn. Ngoài ra, Điều 146 BLHS 2015 nêu quy định xử phạt “hành vi dâm ô” đối với người chưa thành niên dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, các thuật ngữ “giao cấu”, “các hành vi quan hệ tình dục khác” và “hành vi dâm ô” chưa được định nghĩa, vì vậy bản chất của các hành vi tấn công này vẫn chưa rõ ràng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm