Tránh rủi ro, TP.HCM tổ chức giờ ăn tập trung cho trẻ mầm non

(PLO)- Từ năm học này, thay vì ăn trong lớp, bậc học mầm non tại TP.HCM đang nghiên cứu, thí điểm giờ ăn tập trung cho trẻ mầm non.

Đối với bậc học mầm non, giờ ăn, giờ ngủ rất quan trọng. Do đó, sau quá trình đi học tập, nghiên cứu các mô hình ở nước ngoài, TP.HCM đang tính toán tổ chức giờ ăn tập trung cho trẻ.

giờ ăn tập trung
Trường Mầm non Nam Sài Gòn tổ chức giờ ăn tập trung tại khu vực sảnh rộng. Ảnh: NTCC

Tổ chức giờ ăn tập trung tại Trường Mầm non Nam Sài Gòn

Thay vì ăn tại lớp, từ tuần thứ hai của tháng 9-2024, trẻ học tại Trường Mầm non Nam Sài Gòn, quận 7 được ăn tập trung bữa sáng, trưa và xế tại khu vực sảnh ở tầng trệt.

Giờ ăn được tổ chức theo hình thức cuốn chiếu, lớp nhà trẻ ăn lúc 10 giờ, sau đó 10 phút là tới lớp mầm, tiếp đến lớp chồi và cuối cùng lớp lá.

Hiện khu vực này đã lắp đặt hệ thống quạt làm mát. Việc tổ chức giờ ăn tập trung đang được hoàn thiện từng ngày. Trường đang nghiên cứu lắp máy lạnh tại khu vực trên.

gio-an-tap-trung.jpg
Giờ ăn tập trung được Trường Mầm non Nam Sài Gòn tổ chức vào tuần thứ 2 tháng 9 và nhận được những phản hồi tích cực. Ảnh: NTCC

“Trước đây, trẻ ăn tại lớp. Còn với giờ ăn tập trung, trẻ sẽ di chuyển từ lớp xuống sảnh. Sự thay đổi không gian bữa ăn cũng khiến trẻ thích thú, hào hứng hơn. Cạnh đó, phụ huynh khi đưa con đi học có thể quan sát được giờ ăn của con nên hầu hết đều ủng hộ phương án trên.

Sau khi trẻ ăn xong sẽ lên lớp, tránh được tình trạng trẻ vừa ăn no đã nằm ngủ.

Bà Lê Thị Xuân Thương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sài Gòn

Bà Thương cho biết thêm, trong giờ ăn tập trung, ban giám hiệu nhà trường, giáo viên, đội ngũ y tế đều tham gia, dễ quan sát, hỗ trợ, nắm bắt tình hình của trẻ. Nhờ vậy phòng ngừa được những nguy cơ mất an toàn thường xảy ra trong bữa ăn.

"Tôi ủng hộ cho trẻ ăn tập trung tại một không gian chung của toàn trường. Như vậy trẻ sẽ có sự vậng động di chuyển đến khu vực ăn, hào hứng hơn trong bữa ăn, trẻ tự thấy mình có trách nhiệm hơn với việc ăn uống nên sẽ ăn ngon miệng hơn là ăn ngay tại lớp" - chị Phùng Thu Hoài, một phụ huynh có con đang học mầm non tại quận 6 chia sẻ.

Lý do tổ chức giờ ăn tập trung

gio-an-tap-trung-1.jpg
Giờ ăn tập trung sẽ giải quyết được những vấn đề còn tồn tại khi tổ chức cho trẻ ăn tại lớp. Ảnh: NTCC

Theo ghi nhận của PV, phần lớn trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập, tư thục đều tổ chức ăn sáng, ăn trưa, ăn xế cho trẻ ngay tại phòng học. Giáo viên sẽ kê bàn ghế thành khu vực ăn, sau khi trẻ ăn xong lại lau chùi, dọn dẹp để có chỗ học tập, vui chơi.

Trao đổi với PLO, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết khi ăn tại phòng học, một ngày giáo viên sẽ phải khiêng bàn ghế sắp xếp chỗ ăn ít nhất 6 lượt.

"Việc này khiến giáo viên tốn thời gian, công sức. Bên cạnh đó, thức ăn khi rơi vãi xuống sàn nhà còn phải lau dọn. Chưa kể, khi cho trẻ ăn giáo viên rất áp lực, nếu không kiểm soát cảm xúc tốt dễ gây ra sự việc không hay. Do đó, việc tổ chức giờ ăn tập trung sẽ giải quyết được những vấn đề trên", bà Điệp chia sẻ.

Cũng theo bà Điệp, khi ăn tập trung tại sảnh lớn, giáo viên tiết kiệm được công sức, thời gian lau dọn. Trẻ có thời gian di chuyển từ phòng học ra khu vực ăn và ngược lại, tăng cường vận động giúp trẻ tiêu hoá tốt hơn.

Hơn nữa, khi trẻ ăn tập trung trong môi trường tập thể, nhiều người cùng giám sát, giáo viên sẽ biết kiềm chế cảm xúc. Cùng với đó, sự hỗ trợ lẫn nhau của các đồng nghiệp xung quanh khi cùng chăm sóc các trẻ ăn chậm, khó ăn... cũng giúp giảm áp lực cho giáo viên.

Mặt khác, khi ăn tập trung, nhân viên nhà bếp sẽ quan sát được các trẻ. Từ đó có thể biết được món nào trẻ thích, món nào trẻ ít ăn để điều chỉnh cho phù hợp.

Đặc biệt, với giờ ăn tập trung, ban giám hiệu và các thành phần có liên quan đều cùng tham gia. Do đó hạn chế được các tình huống không hay xảy ra trong giờ ăn, giúp trẻ có giờ ăn ngon, an toàn.

Bà Điệp thông tin thêm, mô hình giờ ăn tập trung cho trẻ mầm non đã có một số trường tự tổ chức. Năm học này ngành giáo dục sẽ triển khai chuyên nghiệp hơn. Các trường sẽ được tham quan mô hình mẫu tại một trường đã thực hiện để học hỏi kinh nghiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm