Tránh trầm cảm khi du học

Từ năm 2012 trở lại đây, báo chí đưa tin không ít các trường hợp du học sinh sau khi về nước xuất hiện triệu chứng… tâm thần. Nhiều học sinh-sinh viên sau khi đi du học về bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm nặng, một số luôn có ý định tự sát, phải đến Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia để chữa trị.

Về nước để… vào bệnh viện tâm thần!

Sau nhiều lần tư vấn cho các phụ huynh lẫn các sinh viên đi du học, anh Trương Phạm Hoài Chung, cựu sinh viên Trường ĐH Williams (Mỹ), cho biết: “Nhiều bậc làm cha mẹ lo lắng rằng con em mình khi đi du học sẽ bị sốc, ảnh hưởng đến học hành và tinh thần. Tuy nhiên, thực tế các em thường không sốc lắm nhưng mà trầm cảm thì rất dễ xảy ra đối với những bạn trẻ sống xa gia đình, đặc biệt là khi các du học sinh sang sống tại các vùng xa xôi”.

Một cựu du học sinh tại Mỹ nói: “Trầm cảm là một vấn đề khá nghiêm trọng mà nhiều du học sinh gặp phải khi mới sang Mỹ”. Anh này cho hay các du học sinh trầm cảm vì nhiều lý do như xa nhà, xa người thân, sống trong một đất nước lạ với văn hóa lạ lẫn con người lạ.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Phòng khám Tâm thần, BV Bạch Mai (Hà Nội), từng chia sẻ trên báo chí: “Việc cho con đi du học sớm hoặc trường hợp trẻ chưa chuẩn bị tâm lý vững vàng là một thảm họa. Bởi lẽ trẻ phải chịu rất nhiều vấn đề áp lực về tâm lý như nhớ nhà, phải giao tiếp bằng ngôn ngữ khác, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau dẫn đến bất ổn tâm lý”. Hậu quả là nhiều trường hợp sinh viên khi vừa sang du học đã bắt đầu có hiện tượng mất ngủ, uống thuốc an thần thường xuyên, không thích giao tiếp, lúc nào cũng buồn rầu, thậm chí là có ý định… tự tử.

Sự trầm cảm có thể kéo dài suốt thời gian du học sinh du học đến khi về nước thì phát bệnh nặng càng khó chữa trị.

Đâu là “thuốc” chống trầm cảm?

Chị Cẩm Nguyên, cựu du học sinh tại ĐH Williams (Mỹ), chia sẻ kinh nghiệm chống trầm cảm của mình: “Một kỹ năng tổng thể, nhất là ra khỏi “vòng an toàn” sẽ rất hữu ích cho du học sinh. Ví dụ làm bạn với cô phục vụ nhà ăn, người luôn tươi cười đón chào sinh viên, bạn sẽ nhận được một món quà quý giá khi tốt nghiệp. Hỏi thăm một giáo sư về công trình nghiên cứu của bà ấy nếu bạn tò mò, bạn có thể sẽ trở thành trợ lý trong phòng thí nghiệm của bà ấy. Hãy khám phá và khám phá nhưng đừng quá kỳ vọng sẽ đạt được điều gì ở cuối hành trình vì như vậy sẽ mất đi sự kỳ thú”.

Để tránh trầm cảm, một du học sinh khác tại Mỹ đã tham gia các hoạt động ngoài giờ, như một số câu lạc bộ sinh viên của trường để tìm thêm bạn. “Trường Green River (Mỹ) cũng hay tổ chức các chuyến du ngoạn giá rẻ cho sinh viên và tôi có tham dự vài lần. Giá mỗi lần đi chơi như vậy chỉ 10-20 USD, chỉ bằng 1/5 số tiền bỏ ra nếu tự đi. Ngoài ra vào các ngày thứ Bảy cuối tuần, tôi và một số người bạn thân như một cô gái Thụy Điển gốc Phi và một cô gái người Hàn Quốc thường hay bắt xe buýt lên Seattle để đi chơi và ăn uống. Giá cả của Seattle cũng không quá đắt đỏ, xe buýt thì chỉ có 1,5 USD một vòng đi lúc bấy giờ và ăn no cũng chỉ cần 10 USD là cùng. Ngược lại, một vài người bạn của tôi chỉ nằm nhà cả ngày rồi than nhớ nhà hoặc do sợ đi bộ. Khi trầm cảm mà làm vậy chỉ thêm trầm cảm mà thôi” - anh chàng này chia sẻ.

NGUYỄN PHÚ LỢI

Những kỹ năng chống trầm cảm hiệu quả

Để chống trầm cảm, anh Hoài Chung chia sẻ kinh nghiệm bằng một danh sách các việc cần làm như phải ngay lập tức tìm một nhóm bạn thân cùng sở thích; làm bạn với các du học sinh khác để được hỗ trợ khi khó khăn; mỗi học kỳ học tối đa hai khóa viết chuyên sâu, còn lại phải cân bằng với các môn học khác chứ không phải đọc, viết nhiều; phải học ít nhất một ngôn ngữ mới vì như vậy sẽ có nhóm bạn thực hành nói với nhau, rất vui và rất hiệu quả; tham gia ít nhất một hoạt động ngoại khóa có người bản xứ. Nhóm bạn bản xứ sẽ sẵn lòng hỗ trợ bạn trong những lúc khó khăn, chẳng hạn chở đi sân bay, mua sắm; học trượt tuyết vì không có gì để làm hay hơn vào mùa đông hơn là trượt tuyết tại các nước như nước Mỹ; phải làm thêm ít nhất 10 tiếng/tuần để giết thời gian và có tiền tiêu vặt; luôn luôn đi các hội thảo về viết lách để các bạn sửa bài luận cho, vì dù mình có tự viết hay đến bao nhiêu cũng sẽ có lỗi; dùng phương tiện như Skype; Facebook; Viber… nói chuyện với cha mẹ hằng tuần để chia sẻ vui buồn; cố gắng tạo ra những mối quan hệ tốt với các giáo sư và chọn ít nhất một giáo sư ruột nhằm hỗ trợ khi bạn xin học bổng, việc làm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm