Trao giải thưởng văn hóa cho bí thư Hội An

Sáng 20-3, tại TP.HCM, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã họp báo công bố những hạng mục Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh. Đây là năm đầu tiên hạng mục giải Giáo dục được mở rộng thành giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục. Năm nay giải này được trao cho ông Nguyễn Sự, Bí thư TP Hội An, vì những hoạt động tiêu biểu góp phần bảo tồn di sản văn hóa nước nhà.

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi thêm cùng nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và GS Chu Hảo, Phó Chủ tịch điều hành quỹ này.

Vinh danh việc bảo tồn di sản

. Lý do nào khiến ban tổ chức mở rộng hạng mục giải Giáo dục thành giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục?

+ Nhà văn Nguyên Ngọc: Bên cạnh việc trao giải cho những nhà giáo dục có đóng góp quan trọng, chúng tôi thấy cũng cần có sự tôn vinh xứng đáng với những nhà hoạt động văn hóa đặc sắc.

. Cụ thể ông Nguyễn Sự đã tạo được những giá trị gì cho Hội An? Và theo hội đồng thì giá trị nào đáng quý nhất?

+ Nhà văn Nguyên Ngọc: Nguyễn Sự có công trình, thậm chí công trình đó khó so sánh với các công trình khác. Tác phẩm hay công trình đó là Hội An, với không gian văn hóa độc đáo và thật đẹp và chính người Hội An thường gọi Nguyễn Sự là linh hồn của Hội An. Đúng ra có thể nói mà không sợ quá đáng: Mấy chục năm qua, nếu không có Nguyễn Sự với tầm nhìn và hành động văn hóa sâu sắc, thâm trầm, uyên bác, nhạy cảm, bình tĩnh mà quyết đoán, thậm chí quyết liệt khi cần… thì khó có, khó còn một Hội An như bây giờ... Hội An không chỉ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới mà mấy năm sau đó tiếp tục được UNESCO công nhận là "kiệt xuất trong giữ gìn và phát triển" di sản ấy.

Trao giải thưởng văn hóa cho bí thư Hội An ảnh 1

GS-TS Trần Văn Khê, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Chu Hảo (từ trái sang) trong buổi họp báo công bố Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vào sáng 20-3 tại TP.HCM. Ảnh: QUỲNH TRANG

Ai cũng biết để được công nhận đã khó, giữ gìn và phát triển còn khó hơn rất nhiều. Điều này càng đặc biệt với Hội An vốn là một di sản sống, chuyển động phức tạp hằng ngày. Chính con người ở đây cũng là di sản, thậm chí là phần cốt yếu của di sản ấy. "Công trình" của Nguyễn Sự là vậy, ông đã có công "kiệt xuất" trong việc gìn giữ và phát triển Hội An, các giá trị văn hóa quý nhất của Hội An.

. Được biết hội đồng phải mất ba tháng mới thuyết phục được ông Nguyễn Sự nhận giải. Vậy phản biện của ông Sự cho thời gian ba tháng suy nghĩ đó là gì?

+ GS Chu Hảo: Ông Sự nói rằng ông không thích những sự tôn vinh nói chung, nhất là tôn vinh cá nhân. Ông Sự thực sự muốn làm chứ không phải làm để được vinh danh. Chúng tôi rất trân trọng những con người như thế. Ông ấy nghĩ rằng những nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội có công trình này, công trình kia còn bản thân ông không có công trình, tác phẩm nào nên ông rất đắn đo.

Công trình văn hóa không chỉ là sách

. Vậy hội đồng đã thuyết phục ông như thế nào?

+ GS Chu Hảo: Chúng tôi, cụ thể là nhà văn Nguyên Ngọc, đã thuyết phục ông Sự rằng chúng tôi muốn tôn vinh cống hiến của ông ấy trong việc bảo tồn và phát huy không gian văn hóa truyền thống của Hội An, điều mà không mấy ai làm được. Chúng tôi nói với ông Sự rằng không phải chúng tôi muốn tôn vinh ông như một nhân vật đặc biệt mà đây là gắn với không gian văn hóa chúng ta hết sức trân trọng.

Cuối cùng, chúng tôi nói rằng qua việc vinh danh ông, chúng tôi muốn gửi thông điệp đến những lãnh đạo ở các quận, huyện, thành phố, tỉnh… rằng phải quan tâm đến bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của mình.

. Trong quá trình xem trước khi trao giải, ý kiến phản biện của hội đồng với giải của ông Nguyễn Sự như thế nào?

+ GS Chu Hảo: Ngay khi nêu ra, chúng tôi đồng ý luôn. Đây là một trong số rất hiếm trường hợp mà hội đồng không phải thảo luận nhiều bởi trước hết ông Sự là người có uy tín và được người dân yêu mến. Thứ đến, hầu hết thành viên hội đồng đều từng theo dõi sự phát triển của Hội An mà đấy là mô hình phát triển đặc sắc.

. Khi chọn trao giải cho ông Nguyễn Sự, hội đồng muốn gửi gắm điều gì cho cộng đồng?

+ Nhà văn Nguyên Ngọc: Chúng tôi muốn giới thiệu với cộng đồng một nhà văn hóa thực hành đặc sắc. Đây cũng là một cách quan niệm về văn hóa và nhà văn hóa. Công trình văn hóa không chỉ là sách mà còn là đời sống nhà văn hóa tạo được trong hiện thực.

+ GS Chu Hảo: Chúng tôi muốn nói thêm thông điệp chúng tôi gửi đến xã hội là những người có trách nhiệm ở các địa phương phải chú ý đến việc bảo tồn không gian văn hóa địa phương mình. Theo chúng tôi, vấn nạn của đất nước mình về kinh tế rồi sẽ qua nhưng suy thoái về văn hóa thì không dễ gì vượt qua được. Sự trồi sụt của nền kinh tế một nước có chu kỳ 5-10 năm nhưng sự trồi sụt về văn hóa và giáo dục có thể kéo dài hàng trăm năm. Bây giờ chúng ta chấn hưng thì 50 năm, 100 năm nữa mới có tác dụng. Thế nên chúng tôi muốn phải chú ý đến văn hóa với nghĩa chung nhất và sâu sắc nhất.

Trao giải cho lãnh đạo không phải là biệt lệ

. Việc trao giải cho một lãnh đạo đương nhiệm có là biệt lệ không?

+ GS Chu Hảo: Không, nếu chúng tôi phát hiện được những người nào có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn hóa hoặc giáo dục của một vùng và là những người được nhân dân tôn vinh trước thì chúng tôi sẽ tìm hiểu và thuyết phục họ. Những người như thế không dễ đồng ý cho mình tuyên dương, nhất là trong tình trạng loạn giải thưởng như hiện nay.

+ Nhà văn Nguyên Ngọc: Thật tình tôi hơi ngạc nhiên về câu hỏi này. Vậy quan chức lãnh đạo đương nhiệm không thể là nhà văn hóa sao? Mong sao có được không quá ít những nhà lãnh đạo đương nhiệm như Nguyễn Sự.

Các hạng mục Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2011 được trao năm nay:

- Giải Dịch thuật trao cho ông Nguyễn Văn Khoa với tác phẩm Đối thoại Socratic 1 của Plato (NXB Tri thức, 2011).

- Giải Nghiên cứu cho nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê và nhà nghiên cứu văn học Hán-Nôm Nguyễn Thạch Giang.

- Giải Việt Nam học cho ông Alain Ruscio (người Pháp) và ông Pavel Pozner (người Nga).

- Giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục trao cho ông Nguyễn Sự, Bí thư TP Hội An, vì những hoạt động tiêu biểu góp phần bảo tồn di sản văn hóa nước nhà.

Lễ trao Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh được tổ chức vào ngày 24-3 tại Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển - SENA (35 Điện Biên Phủ, Hà Nội). Lễ do bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, nguyên Phó Chủ tịch nước chủ trì.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm