Vừa qua, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) Công đoàn (thuộc LĐLĐ TP.HCM) đã trao 3 sổ tiết kiệm cho 3 người lao động (NLĐ) mắc bệnh hiểm nghèo nhằm trang trải chi phí thuốc men, viện phí, tạo động lực để NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sự sẻ chia từ công đoàn và đồng nghiệp
Từng bị phẫu thuật cắt bỏ ung thư cổ tử cung, chị Võ Hồng Lệ Duyên (ngụ quận 8) lại phát hiện mắc ung thư đại tràng giai đoạn 3 chỉ sau 9 tháng. Hiện chị đang hóa trị tại Bệnh viện Bình Dân và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Từ Dũ.
Ban đầu chỉ là những cơn đau bụng kéo dài hơn hai tháng, chị Duyên nghĩ do dạ dày nên chủ quan. Đến khi trở nặng, chị đi khám và được bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay.
“Khi tôi phát hiện mình bị bệnh, con trai tôi vừa phẫu thuật khớp gối xong. Cổ tôi lúc đó đã có nhiều vết lở, bác sĩ nghi ngờ dấu hiệu ung thư, chụp CT mới phát hiện khối u ở đại tràng. Nghe mình bị ung thư lần hai, thật sự tôi không biết phải làm sao, trong đầu tôi chỉ nghĩ không biết mình còn sống được bao lâu, nếu không qua khỏi, ai sẽ chăm sóc con” - chị Duyên nghẹn ngào nói.
Gia đình chị Duyên đang ở trọ, ba mẹ hai bên ở quê đều già yếu và mang bệnh. Hôm đó, lúc 15 giờ 30, chị phải nhập viện và chỉ một giờ sau, bác sĩ thông báo cần phẫu thuật ngay do ruột bị tắc.
“Khi chồng tôi đứng ngoài cửa bệnh viện khóc, tôi cố gắng kiềm chế cảm xúc, khuyên anh về với con. Lần đầu mắc ung thư, tôi giấu gia đình và nói mình đi công tác, nhưng lần này, tôi quyết định chia sẻ sự thật. Sau khi tôi nhập viện, chồng tôi chuẩn bị đồ đạc và bảo con rằng mẹ đi công tác” - chị Duyên kể.
Điều chị Duyên trân quý nhất chính là sự sẻ chia từ công đoàn và đồng nghiệp. “Tôi rất biết ơn công đoàn, tôi đã dùng sổ tiết kiệm để trị bệnh và không ngờ rằng mình lại nhận được sự quan tâm và giúp đỡ lớn như vậy. Bây giờ với tôi, mỗi sáng mở mắt, thấy mặt trời, đã là hạnh phúc” - chị Duyên trải lòng.
Hiện tại, chị Duyên giữ tinh thần lạc quan và tích cực điều trị bệnh theo lộ trình bác sĩ chỉ định.
Cùng hoàn cảnh đặc biệt, chị Dương Ngọc Giàu (ngụ quận 8) chia sẻ chị bị ung thư ngực giai đoạn 2 vào cuối năm 2023. Sau khi phẫu thuật, chị đã hoàn thành 10 trong tổng số 16 toa hóa trị vào tháng 4-2024. Hiện tại, chị tiếp tục tiêm thuốc hàng tháng và uống thuốc duy trì trong 5 năm.
“Những ngày hóa trị thật kinh khủng, tóc tôi rụng từng mảng, người mệt mỏi, ăn không được, ói liên tục. Hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc, tôi tự nhủ phải cố gắng vượt qua để sống vì con và gia đình.
May mắn, tôi vừa nhận được sổ tiết kiệm của công đoàn mới đây. Sau khi nhận, tôi đã trả nợ số tiền mà trước đây tôi vay mượn để điều trị bệnh. Tôi không ngờ mình lại nhận được số tiền lớn như vậy" - chị Giàu xúc động nói và cho biết sổ tiết kiệm này không chỉ là nguồn tài chính mà còn là động lực tinh thần lớn.
Chị Nguyễn Thị Cẩm (ngụ quận 12) cũng nhận thấy được tiếp sức từ việc được trao sổ tiết kiệm sau khi chồng chị, anh Huỳnh Văn Anh, mắc ung thư phổi giai đoạn cuối và đang điều trị tại Sóc Trăng.
Trước đây, anh Văn Anh từng làm nhân viên Ban Điều hành Cụm Công nghiệp - Khu dân cư Nhị Xuân (thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM). Vì mắc bệnh, anh phải nghỉ làm để tập trung chữa trị và chị Cẩm cũng nghỉ việc để chăm sóc chồng.
“Con trai lớn mới vào đại học nên cũng biết tự lo cho bản thân. Hai anh em tự chăm sóc nhau, giúp tôi yên tâm xuống Sóc Trăng chăm sóc chồng” - chị Cẩm nói.
Với thu nhập chính chỉ khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng từ công việc trước đây, giữa lúc khó khăn, gia đình chị nhận được sự hỗ trợ từ công đoàn qua chương trình sổ tiết kiệm và bảo hiểm y tế.
“Khi biết số tiền hỗ trợ là 20 triệu đồng, tôi và con trai mừng không nói nên lời. Số tiền đó thật sự quý giá, giúp gia đình trang trải phần nào chi phí thuốc men cho chồng” - chị Cẩm nghẹn ngào nói.
Tiếp tục nhân rộng chương trình trao sổ tiết kiệm
Trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển, ông Nguyễn Trọng Tính, Giám đốc Trung tâm CTXH Công đoàn TP.HCM cho biết chi phí điều trị, thuốc men và bệnh án cho đoàn viên công đoàn ngày càng tăng, mức hỗ trợ từ sổ tiết kiệm hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu trang trải của người lao động.
“Ban đầu, mức hỗ trợ từ sổ tiết kiệm là 5 triệu đồng, đến năm nay, giá trị này đã được nâng lên đáng kể. Với một số trường hợp đặc biệt như đoàn viên công đoàn mắc bệnh ung thư được nhận sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng, trong đó 10 triệu đồng từ ngân sách của LĐLĐ TP.HCM và 10 triệu đồng còn lại từ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân” - ông Tính nói.
Theo ông Tính, hoạt động này không chỉ là sự hỗ trợ tài chính mà còn là biểu tượng của sự quan tâm, trách nhiệm và tình cảm của tổ chức công đoàn dành cho người lao động.
Bên cạnh việc trao sổ tiết kiệm, công đoàn cũng đang nỗ lực chăm lo cho nhóm lao động phi chính thức, như làm bảo vệ, giúp việc nhà, thợ làm tóc và những công nhân không có hợp đồng chính thức.
Chia sẻ thêm về chương trình trao sổ tiết kiệm, ông Nguyễn Mai Huy, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH Công đoàn TP.HCM, cho biết chương trình đã trở thành hoạt động thường niên trong gần 10 năm qua. Mỗi năm, chương trình trao từ 50 đến 66 sổ tiết kiệm.
Cạnh đó, nguồn kinh phí được vận động từ các công đoàn cơ sở tại các trường đại học, cao đẳng thuộc tổ chức công đoàn thành phố, cùng sự đóng góp của các mạnh thường quân trong nước.
“Chúng tôi đến tận nơi trao trực tiếp cho những gia đình đang gặp khó khăn, có trường hợp người nhận sổ tiết kiệm mắc bệnh hiểm nghèo và không thể qua khỏi. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ tiếp tục là cánh tay nối dài của tổ chức công đoàn, lan tỏa sự nhân ái đến nhiều đối tượng hơn” - ông Huy nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm CTXH Công đoàn TP.HCM đã trao 13 sổ tiết kiệm, 3 Mái ấm công đoàn và hàng trăm phần quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.