Trước đó, bé T. được đưa vô BV đa khoa Xuyên Á trong tình trạng chân cao, chân thấp khi đi đứng. Kết quả chẩn đoán cho thấy bé bị trật khớp háng trái bẩm sinh nên phải phẫu thuật sớm để tránh các biến chứng nặng về sau.
Các bác sĩ (BS) tiến hành rạch da 3 cm phía trong bẹn trái và điều trị trật khớp háng bằng phương pháp phẫu thuật Salter chuyên sâu. Tiếp theo, các BS bó bột bụng đùi bàn chân hai bên cho bé.
Kết quả chụp X-quang cho thấy bé T. bị trật khớp háng trái bẩm sinh. Ảnh: LÊ PHỤNG
BS Phan Văn Tiếp, chuyên gia đầu ngành lĩnh vực chấn thương chỉnh hình nhi BV đa khoa Xuyên Á, cho biết sau ba tháng bé T. có thể tháo bột và sinh hoạt bình thường, không cần tập vật lý trị liệu.
Theo BS Tiếp, trật khớp háng bẩm sinh cần phát hiện và điều trị sớm. Bệnh nhi càng nhỏ thì việc điều trị càng ít tốn kém và mang lại hiệu quả cao.
“Những dấu hiệu cho thấy trẻ có nguy cơ trật khớp háng như các nếp mông, nếp bẹn, nếp đùi không đồng đều. Bên cạnh đó, xương đùi không bằng nhau, lỏng lẻo khớp háng lúc mới sinh. Chưa hết, trẻ đi khập khiễng, chân cao, chân thấp, ưỡn mông, dáng đi bất thường... khi mới tập đi” - BS Tiếp lưu ý.
“Trật khớp háng bẩm sinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra các biến chứng nặng về sau như vẹo cột sống, hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp, đau nhức kéo dài… Những điều nói trên sẽ ảnh hưởng đến dáng đi và ngoại hình của trẻ” - BS Tiếp nói.