‘Trẻ em học toán để thông minh hơn, không phải trẻ thông minh mới học toán’

‘Trẻ em học toán để thông minh hơn, không phải trẻ thông minh mới học toán’

(PLO)- Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Phùng Hồ Hải, cần thay đổi suy nghĩ môn Toán chỉ dành cho người thông minh, mà Toán học là dành cho tất cả mọi người, học để thông minh hơn, giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

Tại buổi ra mắt Trường Toán Minh Việt (trụ sở tại Mỹ) diễn ra trực tuyến vào sáng ngày 5-11 (giờ Việt Nam), Giáo sư (GS) Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ), cho biết trong những năm gần đây, Toán học ở Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực, nhất là trong việc thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục Toán học cho trẻ em, thanh thiếu niên ở bậc phổ thông. Điển hình là công tác biên soạn sách giáo khoa, trong đó làm sao để phụ huynh lẫn người học có được cảm hứng hay nhận thức từng bước về tính thực tiễn của môn toán.

Toán không chỉ dành cho người thông minh

“Sứ mệnh của những người làm công việc như chúng tôi đó là làm sao để tất cả mọi người không còn sợ môn Toán nữa. Tôi ví dụ như Tạp chí Pi mà chúng tôi đang phát triển, đó là sản phẩm dành cho những người yêu Toán và cả những người (tạm) chưa yêu Toán” – GS Hải, người từng vinh dự được Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (TWAS) bầu làm Viện sĩ trẻ, đại diện cho khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2009-2013, chia sẻ.

Giáo sư Phùng Hồ Hải. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ

Giáo sư Phùng Hồ Hải. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ

Cũng theo ông Hải, cách tiếp cận về giảng dạy môn Toán ở Việt Nam cũng từng bước cần được xem xét, điều chỉnh. Những thập niên trước đây, khi nói đến Toán học, người ta thường nghĩ đến những người giỏi. Nói cách khác, Toán là môn học dành cho những người có năng khiếu và chỉ những người thông minh mới học Toán. Tuy nhiên, xã hội hiện nay cần đến sự phối hợp của tất cả mọi người để công việc đạt được hiệu quả. Ai cũng cần học Toán để phát triển tư duy, để nhạy bén hơn trong suy nghĩ, để giải quyết những vấn đề cấp thiết, gần gũi, dân sinh trong cuộc sống.

“Tôi đồng ý với quan điểm rằng học Toán là học cách giải quyết vấn đề, hay nói cách khác học Toán là học “nghệ thuật giải quyết vấn đề” (Art of Problem Solving). Chữ “problem” không chỉ là “bài toán” mà nó còn là tất cả những vấn đề, những khó khăn mà trong cuộc sống trẻ con hay người lớn đều có thể đối diện. Hiểu Toán học một cách rộng ra như vậy, chỉ ra được Toán học không chỉ là cộng trừ nhân chia mà là phát triển tư duy, thì môn Toán mới trở nên thực tiễn, hấp dẫn hơn với trẻ em lẫn phụ huynh” – Chuyên gia từng làm việc tại các Viện Nghiên cứu Toán – Lý lớn ở Đức, Ý, Mỹ nhận định.

“Tôi đồng ý với quan điểm rằng học Toán là học cách giải quyết vấn đề, hay nói cách khác học Toán là học “nghệ thuật giải quyết vấn đề” (Art of Problem Solving) - Giáo sư Phùng Hồ Hải

Ai cũng cần học Toán để phát triển tư duy, để nhạy bén hơn trong suy nghĩ, để giải quyết những vấn đề cấp thiết, gần gũi, dân sinh trong cuộc sống. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Ai cũng cần học Toán để phát triển tư duy, để nhạy bén hơn trong suy nghĩ, để giải quyết những vấn đề cấp thiết, gần gũi, dân sinh trong cuộc sống. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Thực trạng “thấy Toán là toát mồ hôi”

Giáo sư Ngô Bảo Châu, người tâm huyết và rất ủng hộ dự án Trường Toán Minh Việt, nhận xét nhìn chung xã hội Việt Nam rất quan tâm đến môn Toán, và có rất nhiều tài năng Toán. Tuy nhiên, GS Châu cảm thấy rất tiếc khi có những em học sinh rất thông minh, rất tài năng ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng khi nhắc đến môn Toán thì rất sợ, khi đối diện với những con số và các công thức thì “toát mồ hôi”.

“Có tài năng, thông minh nhưng lại sợ tính toán, sợ con số, sợ công thức thì đôi khi sẽ mất đi rất nhiều cơ hội để phát triển. Vậy nên, chúng ta phải có giải pháp để tất cả mọi người đừng sợ Toán nữa. Cần hiểu rằng, có thể chúng ta không xuất sắc, không giỏi Toán, nhưng cũng không sợ Toán, học Toán một cách vui vẻ, tích cực, đủ để rèn luyện tư duy giải quyết các “bài toán” hằng ngày trong cuộc sống” – Người được vinh danh, trao tặng Huy chương Fields năm 2010 nói.

Ông Châu đưa ra ví dụ: Trong cuộc sống thường nhật, không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ thông tin để giải quyết các vấn đề. Có khi chỉ tiếp cận được 30% thông tin, có khi nhiều hơn hoặc thậm chí ít hơn. Vì vậy, để có chọn lựa phù hợp nhất, giảm thiểu các rủi ro nhất, cơ hội thắng nhiều nhất, thì chúng ta phải suy xét, cân nhắc nguồn lực; có khi cần tính toán xác suất để dự đoán và đưa ra chọn lựa.

“Nói một cách dễ hiểu nhất thì học toán là để “tránh những sai lầm”, và “Toán học ẩn chứa trong cuộc sống” như cách mà Nhà Toán học người Mỹ Jordan Ellenberg viết trong cuốn sách “Để không phạm sai lầm”” – GS Châu nhận xét.

Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: Website ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM

Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: Website ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM

Nhà Toán học từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá của thế giới cũng bày tỏ băn khoăn khi ở Việt Nam, tình trạng “học Toán để đi thi” vẫn còn là vấn đề nan giải. Ông đưa ra ví dụ, khi việc thi môn Toán chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, chúng ta thấy rõ hơn về tâm thế “học để đối phó kỳ thi” thay vì học để phát triển tư duy.

“Tôi nghĩ việc thi trắc nghiệm cũng là bình thường, có thể giúp kỳ thi nhẹ nhàng hơn, việc chấm bài thi cũng dễ dàng hơn. Thế nhưng, có một bộ phận người học nảy sinh tâm lý tìm kiếm các giải pháp để đối phó cách thức thi này, nói cách khác họ không tập trung vào giải Toán mà chỉ rèn kỹ năng để thi trắc nghiệm tốt.” – Ông Châu nói.

Trẻ em chỉ yêu Toán khi học thấy vui

Để thúc đẩy môn Toán phổ thông phát triển ở Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu cho rằng phải thiết kế một hệ thống giảng dạy phù hợp, đặc biệt phải phân định được “cái gì cần dạy, dạy ở mức độ nào, còn cái gì thì không cần đưa vào chương trình dạy học”.

“Tôi đưa ra ví dụ, theo tôi thì ở bậc tiểu học chúng ta có thể tập trung vào các bài Toán về phân số, trong khi ở bậc trung học cơ sở thì chú trọng vào phương trình bậc 2. Có những vấn đề mà tôi thật sự chưa hiểu, vì sao lại dạy “7 hằng đẳng thức đáng nhớ” ở chương trình cấp 2, hay một số vấn đề khác. Việc dạy-học này quan trọng ở chỗ nào, và mục đích của việc dạy-học đó là gì? Hay như việc chúng ta vẫn còn dạy các “bài toán mẹo”, việc giải các bài toán mẹo thực chất có lợi ích gì cho phát triển tư duy? Tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu lại, cái gì cần thiết thì dạy còn cái gì không thì hãy bỏ đi.” – Ông Châu góp ý.

Học Toán quan trọng là phải vui, các cháu thấy vui thì thích học. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Học Toán quan trọng là phải vui, các cháu thấy vui thì thích học. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Khuyến nghị về phương pháp dạy Toán, GS Châu cho rằng giáo viên hay phụ huynh đừng kỳ vọng hay đặt lên vai trẻ yêu cầu phải nhận thức được tầm quan trọng của Toán học; hay phải biết học Toán sẽ giúp ích cho tương lai của các cháu. “Trẻ em không cần phải nhận thức nhiều về tính ứng dụng của Toán, vì như vậy sẽ rất mệt mỏi, cũng không thiết thực với chúng. Học Toán quan trọng là phải vui, các cháu thấy vui thì thích học. Mà mỗi cháu lại có niềm vui khác nhau, cho nên phải tìm hiểu” – GS Châu nói.

Nhà Toán học này cũng ví von, giáo viên và phụ huynh hãy xem Toán học cũng như một môn thể thao rèn luyện tư duy và trí thông minh của trẻ em. Cháu nào thích được thử thách, thích thi đua thì hãy giao cho chúng những bài Toán có tính thử thách, nâng cao. Đứa nào không đủ “sức khỏe” cho môn thể thao Toán học thì để chúng có niềm vui bằng việc “di dạo, ngắm cảnh” qua những bài toán cơ bản, nhẹ nhàng. Ai cũng được tôn trọng, đừng để tất cả các cháu phải lao vào một cuộc thi chung, sẽ không còn vui nữa.

“Trẻ em không cần phải nhận thức nhiều về tính ứng dụng của Toán, vì như vậy sẽ rất mệt mỏi, cũng không thiết thực với chúng. Học Toán quan trọng là phải vui, các cháu thấy vui thì thích học. Mà mỗi cháu lại có niềm vui khác nhau, cho nên phải tìm hiểu” - GS Ngô Bảo Châu

“Việc dạy Toán cũng cần linh hoạt, tìm kiếm các phương pháp đơn giản hóa các dãy số, công thức phức tạp. Cần nhớ rằng vẻ đẹp của môn Toán nằm ở chỗ biến những dãy số, công thức phức tạp thành đơn giản, dễ hiểu. Có như vậy thì các em mới thấy niềm vui, mới thấy yêu Toán thay vì sợ Toán” – Ông Châu đưa ra lời khuyên.

Đổi mới giảng dạy Toán học: Từng bước, chậm mà chắc

Đồng tình với GS Ngô Bảo Châu, GS Phùng Hồ Hải cũng cho rằng phương pháp giảng dạy môn Toán cần có sự điều chỉnh. Đúng là Toán học ở Việt Nam đã và đang có những thay đổi tích cực, nhất là trong thiết kế chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, kỹ năng, nhận thức, tư duy của giáo viên vẫn còn chưa thể bắt kịp.

Việc thay đổi việc giảng dạy môn Toán cần được thực hiện từng bước, chậm mà chắc, không thể vội vàng nhưng cũng cần có các bước chuẩn bị. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Việc thay đổi việc giảng dạy môn Toán cần được thực hiện từng bước, chậm mà chắc, không thể vội vàng nhưng cũng cần có các bước chuẩn bị. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

“Nếu không có thầy giỏi, thì khó có thể có trò giỏi được. Giáo viên dạy Toán cần thay đổi bản thân trước các nhu cầu mới về giảng dạy môn Toán. Tuy nhiên, chúng ta không thể vội vàng làm ngay, có kết quả ngay được. Giáo dục mang lại lợi ích “trăm năm”, thì không thể làm trong một sớm một chiều, mà thực tế có khi cần đến vài chục năm mới có thể đạt được kỳ vọng của chúng ta” – GS Hải nói.

Vị này chia sẻ thêm, dù không thể thay đổi ngay được nhưng chúng ta phải chuẩn bị. Ngoài việc tìm kiếm các giải pháp hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực đội ngũ giảng dạy, ở trong nước cũng cần đến nhiều giải pháp, trong đó có việc nâng cao nhận thức và văn hóa đọc sách. Các trường cần phải có thư viện, cập nhật các đầu sách và có giải pháp khuyến khích đọc để thay đổi thói quen, tư duy, kỹ năng…

Thời cơ để Toán học Việt Nam ra thế giới

Tại chương trình ra mắt Trường Toán Minh Việt (MVSM), ông Phạm Tuấn Anh, Sáng lập và là Giám đốc trường Minh Việt (MVA), cho biết Minh Việt và AOPS (đơn vị giáo dục dạy Toán của Mỹ từ 1993, thuộc công ty AOPS) chính thức hợp tác xây dự án MVSM, với mục tiêu mang Toán Mỹ bằng tiếng Anh tới cho học sinh Việt Nam trong độ tuổi 6-16 tuổi.

Ông Phạm Tuấn Anh, Sáng lập và là Giám đốc trường Minh Việt (MVA)

Ông Phạm Tuấn Anh, Sáng lập và là Giám đốc trường Minh Việt (MVA)

“Mục đích của tôi là tạo ra một không gian giáo dục chất lượng Mỹ, chi phí thấp dành cho các em học sinh ở Việt Nam, trong đó có những em như tôi cách đây mấy mươi năm – có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để có thể học các chương trình chất lượng cao hay du học. Chúng tôi muốn đưa chương trình dạy Toán theo nhiều cấp độ từ thấp đến nâng cao ở Mỹ, dạy bằng tiếng Anh để các em có thể tự tin bước ra thế giới. Các giáo viên đều là giáo viên Mỹ có bằng cao học về giảng dạy Toán và tiếng Anh" – Ông Tuấn Anh cho biết.

Ông Tuấn Anh từng là người phiên dịch cho Tổng thống Obama và Phó tổng thống Biden trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào năm 2015; phiên dịch cho Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam năm 2016. Ông tốt nghiệp ĐH Princeton, từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và tư vấn cho Chính phủ Mỹ.

Đọc thêm