Trẻ em mong muốn cha mẹ lắng nghe mình nhiều hơn

Đó là chia sẻ của các em học sinh tại diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2016”, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp với Trung tâm công tác xã hội trẻ em tổ chức. Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ của hội trại “ Chắp cánh ước mơ” lần thứ 5, diễn ra tại Cần Giờ trong hai ngày 23 và 24-6.

Tại diễn đàn, rất nhiều em học sinh đến từ các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM nói lên suy nghĩ của mình trong hoạt động học tập, vui chơi giải trí. Trong đó, nổi bật lên là vấn đề làm sao để giữa cha mẹ với con cái có thể chia sẻ và hiểu được cảm xúc của các em.

80 em học sinh đại diện cho 350 em tham gia hội trại lần này đã nói lên suy nghĩ trong rất nhiều lĩnh vực giáo dục, gia đình, môi trường vui chơi... tại diễn đàn năm nay. ẢNH: THANH TUYỀN

Em Nguyễn Đình Khôi đã hỏi: “Con muốn học bóng rổ mà ba mẹ không cho, bắt con đi học tiếng Anh thì con phải làm sao hả cô?”. Em Nguyễn Thị Thanh Nga (quận 9) đại diện cho nhóm bạn của mình phát biểu: “Làm sao để giữa ba mẹ và tụi con có thể hiểu nhau hơn, có thể chia sẻ với nhau được nhiều chứ nhiều bạn của con không thể tâm sự bất cứ chuyện gì với ba mẹ được. Con hy vọng giữa ba mẹ và con cái sẽ hiểu nhau hơn.”

Chia sẻ với các em về vấn đề này, bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, cho rằng trẻ em có quyền tham gia, đưa ra ý kiến của mình trong bất kỳ hoạt động học tập, vui chơi giải trí nào mà các em muốn. Cha mẹ dù là người lớn nhưng cũng không có quyền can thiệp quá nhiều vào sở thích của các em mà ngược lại cần phải tôn trọng nó. Theo bà, các em học sinh dù còn nhỏ nhưng hãy mạnh dạn nói rõ ý kiến của mình, nói với cha mẹ về những gì mình thích, mình muốn, chia sẻ suy nghĩ của mình với cha mẹ để giữa con cái và cha mẹ có thể thoải mái với nhau, tôn trọng lẫn nhau và hiểu được nhau.

Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến của các em được đưa ra xung quanh hiện tượng bạo lực học đường đang ngày càng phổ biến. Em Phạm Anh Dư chia sẻ, các bạn đánh nhau vì những lý do rất vô lý như ghét nhau, mâu thuẫn nhỏ trong lớp hay chỉ đơn giản là muốn thể hiện bản thân mình trước người khác rồi đánh nhau. Em nêu ý kiến muốn được hỗ trợ thêm về tâm lý học đường trong các trường học, các thầy có cần có biện pháp giám sát chặt chẽ các bạn…

Cũng liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, em Lâm Quế Bình (quận 4) nêu ý kiến: “Có nhiều bạn can ngăn thì cũng bị đánh luôn. Nhiều bạn đứng nhìn mấy bạn kia đánh như vậy thì cũng không hay lắm. Tụi con muốn được học cách ứng xử như thế nào mới là tốt cho các bạn, cho cả con trong những tình huống như vậy; và làm sao để sống hòa đồng cùng các bạn nữa” - Quế Bình nói.

Những nội dung liên quan đến quyền được học tập, vui chơi và đóng góp ý kiến của trẻ em được đưa ra thảo luận sôi nổi. ẢNH: THANH TUYỀN.

Ngoài ra, những thắc mắc của các em về việc đảm bảo môi trường vui chơi lành mạnh cũng được đưa ra thảo luận. Em Lâm Quế Bình cho biết nhiều lần ra công viên chơi nhưng ở công viên em thấy rất nhiều người xấu, có thể gây nguy hại cho mình nên không dám ra đây nữa. “Mấy chú hút ma túy, hút thuốc ngồi rất nhiều ở trong công viên nên con thấy sợ và không dám ra nữa. Con mong là môi trường vui chơi của tụi con sẽ an toàn hơn” - Quế Bình góp ý.  

Rất nhiều những ý kiến xoay quanh đời sống của các em đã được nêu trong diễn đàn năm nay. Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, cho rằng ý kiến của các em là những vấn đề ở thực tế mà nếu không lắng nghe sẽ không thể hiểu các em được; diễn đàn là sân chơi lành mạnh và là nơi để các em thể hiện quyền của mình trong tất cả lĩnh vực của đời sống. Những ý kiến của các em sẽ được ghi nhận và đưa ra thảo luận để góp phần xây dựng môi trường học tập, vui chơi lành mạnh và bổ ích cho các em. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm