Những người dân sống nhiều năm ở đây bày tỏ nỗi băn khoăn con cháu của họ gặp khó khăn trong việc học hành do họ không thể đăng ký tạm trú.
Bà Cao Thị Lệ (58 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cho biết năm nay cháu trai đã đủ ba tuổi, nguyện vọng của gia đình là cho cháu đi học mầm non nhưng “lo” mãi mà cháu chưa thể đi học được.
Theo bà Lệ, bà mua căn nhà hiện ở từ năm 2014, nhà mua lại được sang qua nhiều đời chủ, chỉ có giấy tay. Bà ra trường mua bộ hồ sơ cho cháu đi học thì được biết thằng bé chưa có tên trong sổ tạm trú. Tìm đến cảnh sát khu vực thì được yêu cầu phải có giấy xác nhận tình trạng nhà ở, rồi đăng ký tạm trú cho cháu mới được đi học. “Khổ nỗi sao tôi dám đi xác nhận, ra đó không những không được xác nhận mà người ta còn biết nhà mình không phép thì sống sao được” - bà Lệ tâm sự.
Đồng cảnh ngộ, anh Tô Văn Hiếu (39 tuổi, cùng ngụ xã Vĩnh Lộc B) cho biết năm 2015, anh đưa con gái từ quê vào đây sinh sống, hai vợ chồng mua đất ruộng rồi “lén” xây cái nhà “móng gạch, vách tôn”. Thủ tục chuyển trường đã làm xong nhưng vào đây thì không biết cho cháu nhập học vào trường nào vì nhà anh “gắn mác” nhà không phép. “Tôi tìm nhiều cách nhưng khó khăn quá. Sau nhờ được bà chủ đất đứng ra bảo lãnh, con tôi mới được nhập học”.
Bà Cao Thị Lệ (58 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) chia sẻ nguyện vọng để cháu trai được đến trường. Ảnh: L.THOA
Liên hệ “bà chủ đất” mà anh Hiếu nhắc đến, bà Phan Thị Ba cho biết trước giờ các hộ gia đình ở trọ trong nhà bà hoặc mua đất của bà nếu gặp trục trặc trong việc xin cho con cháu đi học bà đều sẵn sang đứng ra bảo lãnh. Gần đây bà đã bảo lãnh khoảng năm cháu đến trường.
Ông Nguyễn Minh Hiền, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, khẳng định: “Chủ trương của Đảng ủy, UBND xã vẫn luôn tạo điều kiện cho các trẻ đi học, kể cả những trẻ không được đăng ký tạm trú”. Theo ông Hiền, đối với những trường hợp có chỗ ở bất hợp pháp (nhà mua bán giấy tay, thuộc đối tượng phải tháo dỡ, xây nhà sau thời điểm được phép tồn tại) thì cơ quan công an không thể cho đăng ký tạm trú. Các trường hợp này nếu xác định cư trú lâu dài thì địa phương vẫn tạo điều kiện, lập danh sách gửi đến các trường; có hồ sơ gửi đến các trường không nhận, người dân có phản ánh thì xã vẫn đề nghị các trường nhận để các em được đi học.
Ông Hiền cũng cho biết người dân có nhu cầu cho con em đi học nhưng vướng tình trạng nhà như trên thì nên liên hệ với lãnh đạo UBND xã để được giải quyết.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, cũng nhấn mạnh huyện Bình Chánh xác định phải tạo điều kiện cho tất cả trẻ đi học. Tuy nhiên, hiện nay hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có dân số quá đông, quá tải về trường học nên không thể nhận hết các cháu vào trường công.
“Vì vậy, huyện luôn tìm nhiều cách để giải quyết nhu cầu cho các em. Trong đó, áp dụng hình thức phân tuyến, ưu tiên cho các cháu thường trú, các cháu đảm bảo điều kiện đầy đủ theo quy định của trường học thì được vào trường công. Kế đến là các cháu tạm trú, rồi đến các cháu chưa được tạm trú. Nếu trường công trên địa bàn xã hết chỗ thì huyện sẽ cho các cháu học trường tư hoặc đến học ở xã khác và phụ huynh phải chấp nhận đi xa một chút” - ông Dũng phân tích.