Trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh: 'Trung tâm không làm đúng, mạnh dạn cắt hợp đồng'

(PLO)- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè cho rằng trong quá trình thực hiện chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh, nếu trung tâm làm không đúng, mạnh dạn cắt hợp đồng.  

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè đã chia sẻ như trên tại hội nghị đánh giá kết quả tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh theo Thông từ 50/2020 của Bộ GD&ĐT vào ngày 12-1.

Nếu làm không tốt, có lỗi với phụ huynh

Trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh:
Bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: NQ

Bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè, cho biết việc thực hiện chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Do hoạt động này các đơn vị vận động phụ huynh tham gia theo hình thức xã hội hoá.

Tại hội nghị, các tiết học mẫu được tổ chức với sĩ số khá lý tưởng chỉ từ 10-15 em. Tuy nhiên, con số thực tế tại các lớp học dao động từ 30 đến 40 em. Vì thế, nếu lãnh đạo các trường quản lý không chặt việc giảng dạy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.

“Về vấn đề này, tôi luôn quán triệt tại hội nghị giao ban chuyên môn. Tôi yêu cầu hiệu trưởng các trường phải chú ý đến chất lượng theo kiểu trung tâm cần mình chứ không phải mình lệ thuộc họ. Chúng ta phải theo dõi, quản lý nếu phía trung tâm thực hiện không đúng thì mạnh dạn cắt hợp đồng không thể vì những lý do nào khác vẫn tiếp tục triển khai. Bởi nếu việc giảng dạy không có chất lượng, chúng ta sẽ có lỗi với phụ huynh, tội cho học trò” - bà Oanh nói.

Bà Oanh cũng mong muốn trong thời gian tới, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức nhiều hơn nữa các chuyên đề dạy trẻ làm quen tiếng Anh để giáo viên có điều kiện học tập quá trình tổ chức các hoạt động cho trẻ.

Ở góc độ khác, tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Lĩnh, chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Củ Chi đã chia sẻ một số khó khăn trong quá trình triển khai chương trình.

Cụ thể, vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa hiểu đúng về khái niệm “làm quen” theo Thông tư của Bộ GD&ĐT. Các bậc phụ huynh thường nghĩ rằng tiếng Anh là một ngôn ngữ phổ biến và vô cùng quan trọng. Nhưng dù vậy cũng không nhất thiết phải nhồi nhét ngoại ngữ cho con ngay từ khi còn nhỏ. Điều này dẫn đến việc chưa đồng bộ trong công tác cho trẻ làm quen với tiếng Anh giữa các đơn vị.

Hơn nữa, việc thuê giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt Nam giảng dạy đều phải xã hội hoá, dựa trên đóng góp của phụ huynh vào đầu năm học dẫn đến việc phải tuyên truyền, triển khai đến phụ huynh khá bị động.

Bên cạnh đó, mức thu học phí cho công tác này còn hạn chế dẫn đến sự khó khăn trong công tác hợp đồng với các đơn vị cung cấp giáo viên giảng dạy tiếng Anh.

Trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh:
Tiết học mẫu trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh của Trường Mầm non Mai Vàng, quận Gò Vấp diễn ra tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trước thực tế trên, trong thời gian tới, phòng GD&ĐT sẽ đa dạng hình thức tuyên truyền giúp phụ huynh hiểu đúng về từ “làm quen” tiếng Anh; động viên, khuyến khích phụ huynh cho trẻ tham gia.

Đồng thời, phòng kiến nghị Sở tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn chuyên môn về công tác cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Hơn 50% trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh - số liệu đáng suy nghĩ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay sau 3 năm triển khai thực hiện, đây là lần đầu tiên ngành GD&ĐT TP nói sâu, nói thẳng, nhìn rõ những hạn chế, những gì còn tồn tại về thực tế triển khai hoạt động cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh.

Trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh:
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP.HCM hiện nay chỉ đứng sau Hà Nội trong đó trường mầm non công lập gần 500, hệ thống trường mầm non ngoài công lập hơn 800 và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non độc lập có gần 1.700 trường. Tuy nhiên, số liệu thống kê tỷ lệ trẻ được làm quen tiếng Anh chỉ hơn 50%.

"Đó là con số khiến chúng ta phải suy nghĩ, đặc biệt ở khối các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục. Đây là một câu hỏi mà tôi nghĩ rằng tất cả những người đang làm quản lý giáo dục phải suy nghĩ và có giải pháp cho từng địa phương” - bà Châu nhấn mạnh.

Theo bà Châu, để thực hiện tốt, mỗi trung tâm, mỗi nhà trường và phòng giáo dục phải bám theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT mà định hướng. Đặc biệt phòng GD&ĐT phải tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo chất lượng khi thực hiện chương trình.

“Tôi đề nghị cần nhân rộng các mô hình tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh đạt hiểu quả cao. Mặt khác đã cho trẻ học tập cũng cần quan tâm các phương pháp kiểm tra đánh giá để có cơ sở thực hiện theo chuẩn” - bà Châu nói thêm.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM lưu ý các trung tâm ngoại ngữ, tin học phải quan tâm hơn đến đội ngũ giáo viên. Với cơ sở giáo dục mầm non, phải thành lập ban lựa chọn chương trình làm quen tiếng Anh theo đúng chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm