Trên con tàu Giáo sư Trần Văn Khê từng ôm đờn sang Pháp

(PLO)- Mong ước của cố GS.TS Trần Văn Khê là cho trẻ làm quen và tiếp cận với âm nhạc dân tộc đã được Hội quán Các bà mẹ thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-6, Hội quán Các bà mẹ tổ chức chương trình Cho trẻ tìm hiểu nhạc cụ dân tộc để tưởng nhớ, tri ân và tiếp nối một phần mong muốn của GS.TS Trần Văn Khê lúc sinh thời.

Chủ đề của chương trình là “Kể chuyện người giữ hồn dân tộc”, giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về GS.TS Trần Văn Khê, cũng như những đóng góp của ông cho âm nhạc dân tộc; đồng thời cho trẻ em tiếp cận, tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc.

Chương trình Cho trẻ tìm hiểu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chương trình Cho trẻ tìm hiểu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Không gian gợi nhớ kỷ niệm xưa

Tham dự chương trình, các bạn nhỏ được tham quan tàu Indochina Queen (Nữ hoàng Đông Dương) - không gian gợi nhớ năm 1949, thầy Khê ôm cây đờn xuống tàu sang Pháp bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Cũng trên con tàu này, các em còn được tìm hiểu về một số loại nhạc cụ dân tộc như trống cơm, đàn kìm, đàn tranh, sáo trúc... và cùng nhau chơi các trò chơi dân gian.

Các trẻ em sẽ được tìm hiểu về một số loại nhạc cụ dân tộc như trống cơm, đàn kìm, đàn tranh, sáo trúc... Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Các trẻ em sẽ được tìm hiểu về một số loại nhạc cụ dân tộc như trống cơm, đàn kìm, đàn tranh, sáo trúc... Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chia sẻ về lý do tổ chức chương trình, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán nói: “Khi thực hiện các chương trình cùng thầy, chúng tôi mới cảm nhận được hết cái tình của thầy và sứ mệnh người truyền lửa. Tiếp tục những chương trình về làm quen với âm nhạc dân tộc, chúng tôi biết được mong muốn của thầy là cho trẻ làm quen, tiếp cận với âm nhạc dân tộc.

Thầy khuyến khích con trẻ phải gắn liền với bài hát đồng dao, điệu lý câu hò. Bảy năm sau ngày thầy đi xa, dù hơi thở của thầy đã không còn nhưng tấm lòng cũng như tình cảm của thầy vẫn còn đọng lại nơi những người luôn yêu thương gắn bó với thầy” - chị Thuý trải lòng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ kỷ niệm về giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ kỷ niệm về giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tiếp nối truyền thống văn hoá dân tộc

Đến với chương trình, Nguyễn Đăng Khôi (9 tuổi) đang say mê sờ tay vào những món nhạc cụ được trưng bày. Khôi kể em đang tìm hiểu và học về sáo trúc.

“Em đã học được khoảng một năm. Em thích sáo trúc vì mình có thể thổi mà không cần phải cong lưỡi, âm thanh phát ra lại rất hay. Nếu có cơ hội, em rất muốn được tìm hiểu thêm nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác” - Khôi nói.

Nguyễn Đăng Khôi cùng em trai trình diễn áo dài và hát trên nền nhạc dân tộc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Nguyễn Đăng Khôi cùng em trai trình diễn áo dài và hát trên nền nhạc dân tộc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh (41 tuổi, mẹ của Đăng Khôi) chia sẻ, gia đình chị rất đam mê nghệ thuật nên các bé ngay từ nhỏ đã được tìm hiểu rất nhiều về âm nhạc. Vào mỗi mùa hè, chị cho các con đi học khóa tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc của nghệ sĩ Tuyết Mai.

Theo chị Quỳnh, cho con tiếp cận với nhạc cụ dân tộc là cách để gìn giữ những di sản và giá trị văn hóa. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo chị Quỳnh, cho con tiếp cận với nhạc cụ dân tộc là cách để gìn giữ những di sản và giá trị văn hóa. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Cho con tiếp cận với nhạc cụ dân tộc là cách để gìn giữ những di sản và giá trị văn hóa mà cha ông và lịch sử đã để lại. Thông qua những việc lan tỏa văn hóa đó sẽ làm cho các con thêm tình yêu quê hương đất nước", chị Quỳnh tâm sự.

Các em bé đều được mặc áo dài để tham gia chương trình. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Các em bé đều được mặc áo dài để tham gia chương trình. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị Quỳnh mong những điều GS.TS Trần Văn Khê chưa thực hiện được thì các bậc cha mẹ sẽ chung tay nâng bước để con trẻ tiếp nối những ước muốn đó. “Đây cũng là cách các gia đình đóng góp cho xã hội, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam” - chị Quỳnh nói thêm.

Kể về những kỷ niệm với con tàu Indochina Queen, ông An Sơn Lâm (60 tuổi), thuyền trưởng của con tàu cho hay ông làm thuyền trưởng đã được 18 năm. Do đó, khi biết có ý tưởng tổ chức chương trình trên tàu của Hội quán, ông đã đồng ý ngay.

Theo ông, con tàu này rất có duyên khi được neo đậu ở Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. GS.TS Trần Văn Khê cũng từ Bến Nhà Rồng này sang Pháp và bắt đầu sự nghiệp truyền bá âm nhạc dân tộc.

“GS.TS Trần Văn Khê là một trong những người rất giỏi về âm nhạc dân tộc. Hôm nay tôi rất vui và ấn tượng khi các cháu ở đây đã có niềm yêu thích mặc áo dài dân tộc và tham gia những chương trình về âm nhạc dân tộc. Tôi mong sẽ có nhiều thế hệ con em tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam”- ông Lâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm