Nhiều TAND cấp huyện lúng túng với trường hợp vụ việc dân sự đã thụ lý trước ngày 1-7-2016 nhưng kể từ ngày này mới phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện (như giấy đỏ) thì không biết nên giữ lại để giải quyết tiếp hay chuyển lên TAND cấp tỉnh. Khi chưa có hướng dẫn của TAND Tối cao, một số TAND cấp huyện đã chủ động chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho TAND cấp tỉnh giải quyết cho đúng với tinh thần của Luật TTHC 2015.
Ngày 7-4-2017, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 01 giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ xét xử, trong đó có đề cập đến trường hợp trên.
Theo TAND Tối cao, trường hợp vụ việc dân sự do TAND cấp huyện thụ lý trước ngày 1-7-2016 nhưng kể từ ngày này mới phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện mà quyết định đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì căn cứ khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015, khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015 của Quốc hội (về việc thi hành Luật TTHC 2015), TAND cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho TAND cấp tỉnh. Nếu TAND cấp huyện đã chuyển hồ sơ vụ việc cho TAND cấp tỉnh và TAND cấp tỉnh đã thụ lý thì TAND cấp tỉnh tiếp tục giải quyết.
Điều đáng nói là nhiều tòa lại vận dụng cả hướng dẫn này đối với trường hợp thụ lý vụ kiện dân sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện vào thời điểm hiện nay. Nghĩa là hiện nay khi người dân khởi kiện án dân sự mà có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện thì TAND cấp huyện vẫn thụ lý, giải quyết.
Đây cũng là một cách giảm tải cho các TAND cấp tỉnh và TAND Cấp cao. Tuy nhiên, theo tôi, hướng dẫn trên của TAND Tối cao chỉ dành cho trường hợp hồ sơ vụ kiện đã được TAND cấp huyện thụ lý trước ngày 1-7-2016 và sau ngày này mới phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện. Do đó, việc các tòa áp dụng nội dung hướng dẫn cho cả trường hợp mới khởi kiện là không đúng với tinh thần của Luật TTHC 2015 và Công văn số 01 của TAND Tối cao.