Triển khai cao điểm 350 ngày xóa 240.000 nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước

(PLO)- Đến cuối 2025 còn khoảng 240.000 căn nhà tạm, nhà dột nát phải xóa, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai 350 ngày đêm thực hiện thành công nhiệm vụ này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp Phiên thứ hai của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến 4 cấp, từ đầu cầu trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới hơn 8.600 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.

Nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2025, người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ với chủ trương không hy sinh tiến bộ, công bằng, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Việc này cũng thể hiện truyền thống "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", cũng như quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo của bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

Chiến dịch 350 ngày

Người đứng đầu Chính phủ cho biết từ phiên họp thứ nhất đến nay, cả nước đã hoàn thành, bàn giao hơn 44.000 căn nhà và đang xây dựng 34.200 căn. Từ nay đến cuối năm 2025, còn khoảng 240.000 căn phải hoàn thành, trong khi thời gian triển khai rất gấp, chưa tới 350 ngày. Vì vậy, phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công chương trình trong năm 2025.

nhà dột nát
Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đánh giá thực trạng tình hình triển khai chương trình tại các bộ, cơ quan, địa phương; chia sẻ kinh nghiệm, bài học, thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân làm chưa tốt.

Cùng với đó, các đại biểu cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, mạnh mẽ để bảo đảm hoàn thành chương trình trong năm 2025 trên tinh thần 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có 58/63 địa phương đã quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; 5 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM, Bà Rịa- Vũng Tàu không thành lập Ban Chỉ đạo do địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Đến nay có 20 tỉnh, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn yêu cầu, trước và trong quý 3/2025; có 13 địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Tính đến ngày 12-1-2025, 20 tỉnh, thành phố này đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn, trong đó có 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn nhà.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, hầu hết địa phương phấn đấu dịp đại hội Đảng bộ tỉnh sẽ hoàn thành, trừ một số địa phương đặt mục tiêu đến cuối năm 2025. "Nếu hoàn thành trước ngày 31-12, chúng ta sẽ về đích trước 5 năm so với Nghị quyết Trung ương số 42" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Tết Nguyên đán 2025, dự kiến có nhiều hộ được đón Tết trong ngôi nhà mới và có nhiều gia đình sẽ tiếp tục được nhận ngôi nhà khang trang.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chương trình hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở người có công theo Quyết định 21 của Thủ tướng dù chưa được cấp kinh phí, nhưng một số địa phương đã ứng vốn để triển khai 5.196 căn cho người có công để kịp đón Tết.

nhà dột nát.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH báo cáo tình hình thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngoài ra, Bộ trưởng Dung chỉ ra một số hạn chế khi ở một số địa phương, quá trình tổ chức còn rất chậm; một số nơi chưa huy động nguồn lực trên địa bàn, còn trông chờ hỗ trợ của Trung ương; một số nhà đầu tư và địa phương chưa thống nhất quá trình triển khai, thậm chí nhà đầu tư chậm, địa phương không chủ động mà chờ nhà đầu tư.

Nhấn mạnh đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn, cao cả, ông Dung đề nghị các địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo, chưa ban hành kế hoạch, chưa tổ chức triển khai phải khẩn trương triển khai ngay.

Khó mấy cũng phải làm, vướng mắc mấy cũng phải gỡ

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành chưa ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát; chưa ban hành hướng dẫn phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm 5% chi ngân sách thường xuyên năm 2024 và phân bổ vốn sự nghiệp năm 2025; 9 địa phương chưa quyết liệt, trách nhiệm chưa cao; chưa ban hành kế hoạch hành động và chưa nghiêm túc báo cáo, thống kê theo quy định.

nhà dột nát 1.jpg
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đến nay, trên toàn quốc còn khoảng 240 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng Chính phủ cho rằng khối lượng công việc còn lớn, một phần do chương trình lớn, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương; phải triển khai trên quy mô rộng trong thời gian ngắn, nhiều đối tượng hỗ trợ ở các địa bàn khó khăn.

Cùng với đó, một số quy định pháp luật liên quan chưa đầy đủ, rõ ràng gây khó khăn trong triển khai thực tế, nhất là các địa phương; một số bộ, cơ quan chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm; một số địa phương còn máy móc, thiếu sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện và còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực hỗ trợ của Trung ương.

Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Cập nhập tình hình, kết quả triển khai chương trình trên cả nước...

Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền như về về rà soát số liệu nhà ở, nhà tạm, nhà dột nát phát sinh thêm; khó khăn trong thực hiện vận chuyển vật liệu để làm nhà...

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hỗ trợ nhà ở đối với người có công.

Cạnh đó, các đơn vị cần khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; có phương án sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm