Triều Tiên: Kiệt quệ kinh tế nên dọa chiến tranh tổng lực

Trong phiên họp mới đây, Hội đồng Nhân dân tối cao (Quốc hội) Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã chính thức thông qua một đạo luật nhằm củng cố vị thế của nước này với tư cách là một quốc gia hạt nhân phòng vệ cũng như chiến lược phát triển kinh tế.

Vậy mục đích chính trong việc gây căng thẳng với Mỹ và Hàn Quốc của Triều Tiên là gì khi chính thức công khai hai mục tiêu chiến lược của quốc gia là phát triển kinh tế cùng tăng cường kho vũ khí hạt nhân?

Có thể nói, vấn đề hàng đầu trong thay đổi chiến lược của Bình Nhưỡng là sự kiệt quệ của nền kinh tế và khả năng phục hồi là hoàn toàn không thể.

Theo các nhà phân tích, chiến lược mới mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra mới đây hoàn toàn khác biệt với chính sách cân bằng giữa kinh tế và quân đội mà cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã thực thi trong những năm 60 của thế kỷ trước cũng như chính sách “tiên quân chính trị” kết hợp với phát triển lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nhẹ mà người cha quá cố Kim Jong Il đã thực hiện trước đó.

Trước đây, Triều Tiên thường tập trung tất cả các nguồn tài nguyên và tiền bạc để xây dựng lực lượng quân đội. Khi đã sở hữu vũ khí hạt nhân (dù ở mức độ nào đó), họ không cần tập trung cho quốc phòng nữa mà thay vào đó là phát triển kinh tế. Về bề ngoài, Bình Nhưỡng đang khoe khoang vũ khí hạt nhân với cộng đồng quốc tế đồng thời, nước này cũng thể hiện rõ mong muốn đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nghèo đói hiện nay.

Một trong những giải pháp mà Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã và đang thực hiện là việc Quốc hội nước này mới đây đã quyết định “tái sử dụng” nhà cải cách kinh tế Pak Pong-ju làm Thủ tướng chính phủ. Động thái này đã cho thấy rõ mục tiêu khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc gia.

Trong thế đối đầu với Mỹ, việc Triều Tiên tự tuyên bố là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cũng là nhằm đảm bảo an ninh cho chính họ. Trên bàn đàm phán, Triều Tiên lại mong muốn có một cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Thực tế là từ năm 2005, Bình Nhưỡng đã từng đề nghị Mỹ ký một Hiệp ước hòa bình (thay thế cho Hiệp định đình chiến), đổi lại họ sẽ từ bỏ việc theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Nói tóm lại, Triều Tiên muốn có được đảm bảo về an ninh như một điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, việc Bình Nhưỡng sử dụng chiến lược “bên miệng hố chiến tranh,” đẩy căng thẳng lên cao cũng là nhằm thể hiện rõ nhu cầu ký kết một hiệp ước hòa bình thay thế cho hiệp định đình chiến.

Hơn nữa, Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và đẩy cao căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cho đến khi họ đạt được mục tiêu đã đề ra.

Theo các nhà phân tích, nếu Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục sử dụng các biện pháp đối phó bằng an ninh và quốc phòng sẽ chỉ góp phần giúp Triều Tiên đạt được mục tiêu đã đề ra là đẩy căng thẳng leo thang.

Bài báo đi đến kết luận rằng Hàn Quốc cần thực thi "chiến lược lối thoát" để giải quyết vấn đề hiện nay.

Theo đó, Seoul cần cử phái viên tới Washington, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng để thuyết phục, đàm phán và cả gây sức ép với sự kiên trì và nhẫn nại.

“Trái bóng” hiện đang nằm trên sân của Hàn Quốc và Seoul cần tận dụng tối đa cơ hội này. Tổng thống Park Geun-hye cũng cần chuẩn bị cho mình bản kế hoạch đầy đủ của cái gọi là “Chiến lược lối thoát” trước khi lên máy bay đến Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên và có cuộc hội đàm thượng đỉnh với người đồng cấp Barack Obama tại Wasington dự kiến diễn ra vào đầu tháng Năm tới.


Theo Vietnam +

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm