Triều Tiên nghi gián điệp phá hoại chương trình tên lửa

Theo tờ Đoàn kết Trí thức Triều Tiên (NKIS), ông Kim muốn điều tra xem có gián điệp nào hoạt động trong tổ chức và âm mưu khiến các cuộc thử nghiệm hạt nhân thất bại hay không.

Kim Jong-un muốn điều tra xem có gián điệp nào hoạt động trong tổ chức và khiến các cuộc thử nghiệm hạt nhân thất bại. Ảnh: DAILY MAIL

Tờ NKIS đưa tin rằng ông Kim Jong-un nghi ngờ rằng phóng tên lửa thất bại có thể là do những hành động ngầm của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS). Tờ báo cũng đưa tin rằng các nhà điều tra của ông Kim sẽ đặc biệt tập trung vào các thành phần tên lửa được nhập khẩu, bao gồm cả chíp vi mạch tích hợp có trong hệ thống điều khiển bay.

Tờ NK News đưa tin ông Kim Heung-kwang, một người Triều Tiên đào tẩu và là Giám đốc điều hành NKIS, cho biết: "Triều Tiên nhập khẩu các chip vi mạch tích hợp do việc sản xuất trong nước hoàn toàn thất bại. Sẽ là vấn đề lớn nếu Mỹ và Hàn Quốc có dính líu vào dây chuyền cung cấp chip vi mạch tích hợp và âm mưu gây rắc rối cho Triều Tiên".

Các nhà điều tra của ông Kim sẽ đặc biệt tập trung vào các thành phần tên lửa được nhập khẩu . Ảnh: DAILY MAIL

Ông Kim Heung-kwang cũng tiết lộ rằng Triều Tiên đã bắn thử nghiệm tên lửa Musudan tổng cộng tám lần  từ ngày 15-4 đến 20-10 nhưng chỉ thành công một lần duy nhất vào ngày 22-6.

Vụ phóng tên lửa mới nhất thất bại khiến Triều Tiên nghi ngờ rằng đây có thể là âm mưu phá hoại của kẻ nào đó. Tờ MailOnline trước đó cũng đã đưa tin tháng này Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa thất bại trong cùng một tuần. Tên lửa Musudan có tầm bắn 2.400-4.000 km. Tầm bắn thấp có thể bắn tới Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi tầm bắn xa hơn có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Guam.

Mỹ cùng hai nước đồng minh ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên án vụ thử tên lửa của ông Kim, cho rằng đây là hành vi vi phạm trắng trợn nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về việc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. "Chúng tôi cam kết bảo vệ quốc phòng các nước đồng minh khi đối mặt với những hành động kiêu khích đe dọa này” - phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross phát biểu hồi đầu tháng 10.

Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa thất bại trong cùng một tuần. Ảnh: DAILY MAIL

Bộ tổng tham mưu Liên quân Hàn Quốc cho biết quân đội đã "chuẩn bị sẵn sàng" nếu Triều Tiên tiếp tục có hành động khiêu khích hơn nữa. Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ "gia tăng áp lực” lên Triều Tiên.

Tên lửa Musudan được phóng hồi tháng 6 đã bay được hơn 400 km vào biển Nhật Bản. Lãnh đạo Kim Jong-un rất tự hào với thành quả này, cho thấy Triều Tiên có khả năng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Mặc dù thất bại liên tiếp nhưng một số chuyên gia cho rằng tên lửa của Triều Tiên sẽ sắp được triển khai hoạt động.

Liên Hiệp Quốc đã đưa ra năm lệnh trừng phạt kể từ khi Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm hạt nhân vào năm 2006. Sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1-2016, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay, nhằm vào hoạt động thương mại của Triều Tiên trong lĩnh vực khoáng sản và thắt chặt các luật hạn chế ngân hàng.

Hiện Liên Hiệp Quốc vẫn đang tiến hành các cuộc đàm phán để đưa biện pháp trừng phạt mới lên Triều Tiên. Biện pháp mới này sẽ hạn chế các lỗ hổng luật phát và nhắm vào ngành công nghiệp tên lửa hạt nhân và đạn đạo của Triều Tiên, theo các nhà ngoại giao Hội đồng Bảo an LHQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm