Triều Tiên phản ứng gắt chuyện Mỹ định gửi F-16 cho Ukraine

(PLO)- Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam phản ứng gắt rằng nếu Mỹ gửi F-16 cho Ukraine đồng nghĩa đẩy khủng hoảng Ukraine đến bờ vực chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-8, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam chỉ trích mạnh Mỹ về nhiều vấn đề, từ việc Washington có ý định gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine đến cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn diễn ra tuần rồi.

Triều Tiên phản ứng gắt việc Mỹ định gửi F-16 cho Ukraine

Cụ thể, trong một tuyên bố đăng trên hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, ông Kang phản ứng gắt rằng nếu Mỹ gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine đồng nghĩa đẩy khủng hoảng Ukraine đến bờ vực chiến tranh hạt nhân toàn cầu.

Tiêm kích F-16 của Không quân Hà Lan diễn tập hồi tháng 7-2023. Ảnh: Piroschka van de Wouw/REUTERS

Tiêm kích F-16 của Không quân Hà Lan diễn tập hồi tháng 7-2023. Ảnh: Piroschka van de Wouw/REUTERS

Ông Kang nói rằng cuộc khủng hoảng Ukraine là “sản phẩm tất yếu của tham vọng bá quyền của Mỹ vốn tập trung vào chính sách gây áp lực và đe dọa quân sự không ngừng dựa vào việc huy động các đồng minh”.

“[Mỹ] xâm phạm một cách có hệ thống vào an ninh và lợi ích chiến lược của Nga, đồng thời coi Moscow là kẻ thù cần hạ bệ bằng mọi giá” - ông Kang cáo buộc.

Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên nói rằng Mỹ “không có quyền pháp lý hay lý do đạo đức để chỉ trích sự hợp tác bình thường giữa các quốc gia có chủ quyền trong lĩnh vực quốc phòng” .

“Chúng tôi một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết hoàn toàn đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Nga trong việc bảo vệ quyền chủ quyền và thực hiện công lý quốc tế” - ông Kang nói.

Tuyên bố trên đưa ra sau khi có tin Mỹ chấp thuận để Hà Lan và Đan Mạch gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine sau khi các phi công Kiev hoàn thành khóa đào tạo, theo hãng tin Reuters.

Ngày 22-8, Đan Mạch cho biết 11 quốc gia thành viên Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tham gia huấn luyện phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F-16 ở Đan Mạch. Dự kiến khoá đào tạo này sẽ kéo dài 6 tháng.

Ngày 24-8, trong chuyến thăm Kiev, Thủ tướng Na Uy - ông Jonas Gahr Stoer cũng cho biết có kế hoạch viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine và sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về số lượng và thời gian sau, theo hãng tin Reuters.

Hiện Mỹ chưa bình luận về thông tin Na Uy sẽ gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine.

Cũng trong 24-8, người phát ngôn Lầu Năm Góc Rat Ryder thông báo Washington sẽ đào tạo phi công Ukaine sử dụng và bảo dưỡng tiêm kích F-16 trong những tháng tới tại Mỹ, theo đài CNN. Theo ông Ryder, kế hoạch huấn luyện dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới tại căn cứ không quân ở bang Arizona (Mỹ).

Bình Nhưỡng chỉ trích cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn

Cũng trong tuyên bố hôm 24-8, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên chỉ trích cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ, Nhật và Hàn Quốc tại Trại David (Mỹ) tuần rồi.

“Cuộc trao đổi gần đây đã làm sáng tỏ ý định của Mỹ trong việc bao vây Trung Quốc và Nga bằng cách trói chặt tay chân của Nhật và Hàn Quốc để hiện thực hóa tham vọng thống trị thế giới cũng như thành lập phiên bản NATO ở châu Á” - theo ông Kang.

Theo hãng thông tấn Yonhap, đây là tuyên bố công khai đầu tiên của quan chức cấp cao Triều Tiên sau bài đăng trên hãng KCNA hai ngày trước chỉ trích hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn thông qua "loạt tài liệu để chi tiết hóa, lập kế hoạch và xây dựng” các hành động khiêu khích chiến tranh hạt nhân.

Hiện Mỹ và các nước liên quan chưa phản hồi về phản ứng của Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm