Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 13-7 xác nhận nước này đã phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 vào ngày trước đó. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ áp dụng những biện pháp quân sự "mạnh mẽ” cho đến khi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với nước này.
ICBM Hwasong-18 có thể tấn công đến toàn lục địa Mỹ
Hãng KCNA đưa tin ông Kim đã trực tiếp thị sát vụ phóng một loại tên lửa ICBM Hwasong-18 trong một cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra lại độ tin cậy của hệ thống vũ khí này.
Triều Tiên xác nhận tên lửa phóng hôm 12-7 là ICBM sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18. Ảnh: KCNA |
“Vụ phóng là một quá trình thiết yếu nhằm phát triển hơn nữa lực lượng hạt nhân chiến lược của đất nước và cũng là lời cảnh báo thực tế mạnh mẽ tới các đối thủ của Triều Tiên” - hãng KCNA cho hay.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh vụ phóng tên lửa là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm tăng cường khả năng tự vệ trước "thảm họa chiến tranh hạt nhân" và các động thái quân sự liều lĩnh của Mỹ và Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng cho biết tên lửa đã bay khoảng 1.000 km trong 74 phút ở độ cao tối đa 6.648 km trước khi rơi xuống biển.
Các chuyên gia nhận định thời gian bay của tên lửa nói trên lâu nhất từ trước tới nay đối với một ICBM mà Triều Tiên từng thử nghiệm, theo hãng thông tấn Yonhap. Nếu được bắn theo quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa có thể bay hơn 15.000 km, khi đó, toàn bộ lục địa Mỹ khả năng có thể rơi vào tầm bắn của tên lửa.
Nhiều nước phản ứng, HĐBA chuẩn bị họp
Nhiều nước đã có phản ứng trước vụ phóng tên lửa ICBM thế hệ mới của Triều Tiên.
Ngày 12-7 người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge lên án hành động này là “sự vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và làm gia tăng căng thẳng không cần thiết cũng như nguy cơ gây bất ổn tình hình an ninh trong khu vực". Ông Hodge kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích và theo đuổi con đường ngoại giao.
(Từ trái sang phải) Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại thượng đỉnh NATO ở Lithuania hôm 12-7. Ảnh: Kacper Pempel/REUTERS |
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, hiện đang có chuyến công du châu Âu và dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc ngay tại Lithuania sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ông cho biết sẽ sử dụng hội nghị để kêu gọi sự đoàn kết quốc tế mạnh mẽ nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 12-7, ông Yoon, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins đã gặp nhau. Tại cuộc gặp, bốn nhà lãnh đạo “kiên quyết phản đối hành động khiêu khích của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi nước này tuân thủ đầy đủ mọi nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ.
“Ngay cả khi Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa, cũng như đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân thì điều đó sẽ chỉ củng cố quyết tâm của cộng đồng quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” - bốn nhà lãnh đạo tuyên bố, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng "chấm dứt các hành động khiêu khích và nhanh chóng quay lại con đường đối thoại".
Tại cuộc tiếp xúc song phương với ông Yoon ở Lithuania, ông Kishida cho biết vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, do đó, ông nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ-Hàn-Nhật.
Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarri cho biết Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ phóng và kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết cấm nước này phát triển tên lửa đạn đạo, đồng thời thúc giục nước này nối lại đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, hãng Reuters đưa tin HĐBA LHQ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 13-7 để thảo luận về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.