Phan Tiến Triều trinh sát trẻ của Cảnh sát PCCC Quận 1 nhoẻn cười chia sẻ. Năm nay Triều 24 tuổi. Những hồi chuông báo cháy lúc nửa đêm, rạng sáng khi mọi người say ngủ, những bữa cơm thậm chí chẳng kịp nuốt đã vội vã lên đường… không còn xa lạ với người trinh sát trẻ.
Ám ảnh vụ cháy trên đường Tôn Thất Đạm
Vụ cháy trên đường Tôn Thất Đạm khiến một bé gái tử vong. Ảnh: THANH TÙNG/TUỔI TRẺ.
Đam mê xe, mê phim hành động nên ngày đi lính nghĩa vụ, Phan Tiến Triều (sinh năm 1993, quê ở Hóc Môn) đăng kí luôn vào Phòng cháy chữa cháy. Bằng sự nhạy bén, dũng cảm, và tinh thần trách nhiệm, hết thời hạn nghĩa vụ, Triều vượt qua hàng trăm lính nghĩa vụ để được giữ lại trở thành chiến sỹ Phòng cháy chữa cháy Quận 1.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nhôm (đội trưởng đội 3, PCCC Quận 1) tự hào chia sẻ Triều là một trong những trinh sát giỏi của ngành: dũng cảm, gan dạ và quyết đoán.
Vụ cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng điện tử số 132 đường Tôn Thất Đạm, Quận 1 vào đầu tháng 5/2015 với là nỗi ám ảnh của người lính trẻ. Thời điểm xảy ra vụ cháy, căn nhà khóa kín cửa, chỉ có một phụ nữ và bé gái 2 tuổi đang ngủ.
Những người dân sống quanh đó vẫn không khỏi rợn người khi nhớ lại. “Ngay khi thấy ngọn lửa bùng lên, chúng tôi liền tri hô và dùng bình chữa cháy mini để dập lửa nhưng không thành, người trong đó hốt hoảng chạy ra ngoài. Chỉ có một bé gái vẫn mắc kẹt trên lầu. Chỉ mấy phút, ngọn lửa đã bùng lên dữ dội, khủng khiếp lắm”.
Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng PCCC Quận 1 lập tức lên đường. “Người dân dập lửa không được mới báo. Lúc chúng tôi đến ngọn lửa đã bùng lên dữ dội, gần như đã bén hết cả tầng 2. Tôi và đồng đội định triển khai đội hình chữa cháy nhưng nghe nói còn có bé gái hai tuổi trên lầu nên phải tìm cách cứu người trước. Anh Hạnh (Trung úy Phan Công Hạnh) xịt nước, tấn công trực diện mở đường giúp tôi vào. Ngọn lửa bốc cao, hơi nóng hừng hực, cả căn phòng như biến thành biển lửa. Nhưng đã không còn kịp nữa. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy thi thể chết vì cháy. Tôi dùng chăn quấn đứa trẻ lại mang xuống. ”
Năm đó, Triều 22 tuổi. Một ngày mệt nhừ, quần áo ướt nhoẹt cùng đồng đội chữa cháy nhưng đêm đó Triều không thể nào ngủ được. “Giá như họ báo sớm hơn chúng tôi đã có thể cứu được bé gái!”, Triều lặng lẽ nhớ lại.
“Chết ai mà hông sợ nhưng…”
Phan Tiến Triều (phải) và trung úy Phan Công Hạnh là những trinh sát giỏi của Cảnh sát PC&CC Quận 1. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Triều kể chuyện, những ngày đầu khi mới tham gia PCCC, anh được giao nhiệm vụ tiếp nước cho các xe chữa cháy.
Sau này theo học hỏi các anh chị như Trung úy Phan Công Hạnh, Trung úy Trương Hoài Đông…đặc biệt là trong thực tiễn các vụ cháy, anh dần học những kỹ năng nghiệp vụ của người trinh sát: đội hình đi dây, tìm kiếm nạn nhân trong khu vực mắc kẹt….Tính đến nay đã hơn 1 năm anh trở thành lính trinh sát của PCCC Q1.
Tôi hỏi, Triều có sợ chết không, Triều nhoẻn cười: “Chết ai mà hông sợ. Nhưng phải biết cách bảo vệ an toàn cho mình. Mình an toàn thì mới cứu được người khác!”
Với Triều, gắn bó với công việc là đam mê, là duyên, là nghiệp.
Năm 2015, có lần Triều cùng đồng đội vừa chi viện chữa cháy bên Bến Vân Đồn (Quận 4) về, đang phơi quần áo, tháo phương tiện trên người xuống, sục bình thì lại có chuông báo động khẩn, yêu cầu chi viện chữa cháy cho xưởng bông gòn bên Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Anh em lại vội vã lên đường. Cháy xưởng bông gòn nên lửa bén lắm, chỉ trong tích tắc ngọn lửa bao trùm toàn bộ nhà xưởng. Nước dội vào không ngớt, anh em trèo lên cả mái xưởng dội nước xuống.
“Mỳ ly, bánh mỳ, bánh bao,…được mang đến để anh em ăn chống đói. Mọi người thay nhau ra ăn, có khi nuốt chẳng kịp nhai vì phải liên tục dội nước khống chế đám cháy, ngừng là lửa bốc bén ra liền. Mình mệt, anh em mình cũng mệt, đói thì ăn đại chứ chẳng thấy ngon lành gì. 7h sáng về đến nhà, mệt nhoài, xịt bộ đồ cho ướt phơi đó phơi luôn chứ cũng chẳng còn sức giặt nữa, lăn ra ngủ đến chiều. Ngủ dậy, ăn vội bát cơm rồi thay ca. Cháy suốt gần 2 ngày 1 đêm mới dập tắt được hoàn toàn”, Triều nhớ lại.
Những người lính cứu hỏa, đặc biệt là lính trinh sát, đa phần ai chẳng mang ít nhiều vết thương trên cơ thể. Vết sẹo ở chân, tay…, nguy hiểm nghề nghiệp và vết sẹo nơi trái tim, đó là sự bất lực khi đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu hết những con người vùng vẫy trong biển lửa.
Vết sẹo cơ thể có thể mờ dần theo thời gian nhưng vết sẹo nơi trái tim thì luôn nhức nhối như nhắc anh và đồng đội cố gắng hơn, gắn bó hơn với cuộc đời binh nghiệp của mình.