Mục 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 11 ngày 4-7-2013 của liên bộ Tư pháp - Tài chính - Công an - Quốc phòng - TAND Tối cao - VKSND Tối cao (hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng) cũng quy định người thực hiện TGPL tham gia TGPL được cấp giấy chứng nhận để tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự.
Theo BLTTHS năm 2003, có ba diện người bào chữa gồm: luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân.
Như vậy, theo các quy định trên thì trợ giúp viên pháp lý chỉ được tham gia tố tụng để bào chữa với tư cách là người đại diện hợp pháp của người tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Trong thực tiễn xét xử, cho đến nay vai trò tham gia tố tụng hình sự với tư cách người bào chữa của trợ giúp viên pháp lý rất hạn chế. Mọi trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa (án có khung hình phạt cao nhất là tử hình, bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất), các cơ quan tố tụng đều yêu cầu đoàn luật sư chỉ định luật sư bào chữa cho người bị buộc tội.
BLTTHS 2015 vừa bổ sung diện người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được TGPL. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 72, người bào chữa gồm luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được TGPL.
Quy định mới này chắc chắn sẽ bảo đảm tốt hơn quyền của người bị buộc tội trong trường hợp người đó thuộc đối tượng được TGPL.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa