Nắng bỏng rát kéo dài từ sáng sớm đến tận chiều tối với nền nhiệt độ luôn mức 38-39 độ C, thậm chí có nơi quá 40 độ C. Ngoài đường hơi nóng bốc lên hầm hập, không khí ngột ngạt và khó thở khiến cuộc sống của người dân Hà Nội đảo lộn. Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến lượng người phải nhập viện tăng cao.
Mệt nhọc mưu sinh dưới trời nóng
6 giờ sáng 29-5, ánh nắng đã chói chang. Thời tiết này là một cực hình đối với những người lao động phải làm việc ngoài trời.
Từ trên giàn giáo xuống, anh Nguyễn Việt Cường đang làm phụ hồ cho một công trình ở Hà Nội cho biết trước kia thì 7 giờ 30 anh em mới làm nhưng mấy ngày qua trời nắng quá, lịch làm việc được đổi sớm hơn. “5 giờ 30 sáng mọi người đã làm rồi, đến 10 giờ khi nắng gắt thì nghỉ, chiều 3 giờ mới làm lại. Trưa nắng mà trèo lên giàn giáo, say nắng hay hoa mắt cũng nguy hiểm lắm” - anh Cường nói.
Ông Nguyễn Văn Khải, làm nghề xe ôm ở phố Lê Văn Lương, cho biết ông luôn mặc áo dài tay, đeo khẩu trang, găng tay để chống lại cái nóng như thiêu như đốt. “Chạy xe mà mồ hôi tuôn như tắm. Hơi nóng từ mặt đường bốc lên hầm hập rát cả mặt. Vì mưu sinh tôi phải ra đây ngồi, kiếm được khách nào thì hay khách đó. Do trời nắng, lượng khách đi xe ôm giảm hẳn vì khách chọn taxi hoặc xe buýt” - ông Khải than.
Nhiều người chọn hầm đường bộ để tránh nắng nóng và nghỉ trưa.
Giăng võng nghỉ dưới bóng mát đường trên cao. Ảnh trong bài: HUY HÀ
Xuống hầm đi bộ trốn nắng nóng
Mùa nóng này người dân Hà Nội có nhiều cách chống nắng nóng khá… “độc”. Thường thì họ tìm đến các trung tâm thương mại, siêu thị, công viên, bể bơi… Một số khác tìm đến bóng mát dưới đường trên cao, còn một số khác “độc” hơn là chui xuống hầm đường bộ.
Chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên Công ty Cây xanh đang làm trên đoạn đường Nguyễn Xiển, cho biết mấy ngày nắng nóng, chị và một vài công nhân mang theo cơm không về nhà. Sau khi ăn xong, mọi người trải chiếu nghỉ ngay phía dưới đường trên cao, nơi có nhiều bóng mát.
12 giờ trưa 29-5, tại một hầm đường bộ trên đường Nguyễn Xiển, có hàng chục công nhân, người lao động và người dân chui xuống đây nằm ngủ xếp thành hàng dài. Anh Đông, công nhân sửa chữa ô tô, cho biết xuống đây vừa mát, vừa yên tĩnh. “Ở dưới này cũng mát nhưng thỉnh thoảng bị đuổi vì cản trở người đi lại. Thì cũng đành phải vậy thôi!” - anh Đông nói.
Xử lý khi bị say nắng Bằng mọi cách để đưa nhiệt độ cơ thể xuống dần càng sớm càng tốt. Đầu tiên phải đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường có tác nhân đưa đến tăng thân nhiệt như đưa nạn nhân ra khỏi hầm lò, đưa vào chỗ mát, thoáng khí, cởi quần áo, chườm mát bằng khăn ướt, nếu cần chườm mát bằng nước đá. Sau đó khẩn trương đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi, điều trị. BS-CKII TRẦN MINH KHUYÊN, chuyên khoa tâm thần, trị liệu tâm lý, giám định viên pháp y tâm thần Tránh để trẻ bệnh Thời tiết nắng nóng dễ làm cho trẻ mất mồ hôi, mau mệt và rối loạn điện giải. Do vậy cần cho trẻ uống đủ nước, ở trong mát, tránh ra đường lúc nhiệt độ cao. Không nên thay đổi đột ngột nhiệt độ, thí dụ như đang ngoài nắng vào phòng lạnh hay từ phòng lạnh ra nắng. Nếu ở trong máy lạnh nên để nhiệt độ ở 28 độ C. Vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, nhất là vệ sinh tay để phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng và các bệnh đường tiêu hóa. Đặc biệt cần tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ nhằm tăng cường sức đề kháng, cung cấp cho trẻ đủ vitamin có trong trái cây, thực phẩm... BS-CKII PHẠM VĂN HOÀNG, Trưởng khoa Khám bệnh BV Nhi đồng 1, TP.HCM |