Trồng cây dầu ven kênh Ba Bò: ‘Ông nói gà, bà nói vịt’

Rắc rối đang xảy ra ở gói thầu trồng cây xanh thuộc dự án cải tạo kênh Ba Bò (do Ban Quản lý dự án Ba Bò - Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư) khi Sở GTVT TP.HCM tiến hành kiểm tra để tiếp nhận, quản lý những cây xanh này.

Sở GTVT: “Trồng cây dầu không phù hợp”

Hạng mục trồng cây xanh là gói thầu XL5 của dự án cải tạo kênh Ba Bò. Gói thầu này có dự toán hơn 1,2 tỉ đồng, số cây xanh cần trồng là 444 cây. Đến nay, trên tuyến kênh Ba Bò (địa bàn quận Thủ Đức) đã trồng tổng cộng 279 cây, trong đó có 245 cây dầu và 34 cây lim sét.

Cuối tháng 6-2015, Trung tâm Chống ngập có văn bản đề nghị Sở GTVT TP kiểm tra, tiếp nhận và quản lý những cây xanh đã được trồng dọc theo tuyến kênh Ba Bò. Đến ngày 27-7, Sở GTVT TP có văn bản cho rằng cây trồng không phù hợp và đề nghị chủ đầu tư dự án phải giải trình vì sao không lấy ý kiến chuyên ngành của Sở về thiết kế chủng loại cây xanh của dự án.

Cụ thể, sau khi kiểm tra thực tế, Sở GTVT TP cho rằng một số khu vực ven kênh Ba Bò có mực nước tương đối cao nên việc trồng cây dầu là không phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây. Trong khi đó, trên tuyến kênh nhánh lại trồng cây lim sét với khoảng cách 50 m/cây cũng không phù hợp quy định (khoảng cách quá lớn - NV). Phần lớn cây trồng không có hệ thống chống đỡ, một số cây còn bị lép tán, sam thân (thân cây bị hư) cần phải thay thế. Theo đó, Sở GTVT TP đề nghị chủ đầu tư kiểm tra và báo cáo cho Sở về tất cả vấn đề này.


Cây dầu đã được trồng hàng loạt trên tuyến kênh Ba Bò. Ảnh: KB

Chủ đầu tư: Trồng đúng quy định

Chiều 31-7, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Như Quốc Bảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò, cho biết ban quản lý sẽ sớm giải trình rõ những vấn đề liên quan theo yêu cầu của Sở GTVT TP. Tuy nhiên, theo ông Bảo, việc trồng cây được thực hiện theo đúng quy định và không có sai sót gì.

Ông Bảo cho biết dự án cải tạo kênh Ba Bò được UBND TP phê duyệt vào năm 2007, trước đây do Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (gọi tắt Khu 2, thuộc Sở GTVT TP) làm chủ đầu tư. Theo đó, hạng mục trồng cây có nêu rõ “trồng loại cây có tán rộng, cao 4-6 m”. “Sau khi tiếp nhận dự án từ Khu 2, chúng tôi thực hiện theo đúng thiết kế cơ sở do Khu 2 lập và đã được Sở GTVT TP thẩm định, kể cả chủng loại cây cũng như về khoảng cách giữa các cây. Mặt khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, cây dầu cũng không phải thuộc danh mục cấm trồng hay hạn chế trồng” - ông Bảo giải thích.

Về tình trạng cây không có giá đỡ, một số cây lép tán, thân bị hư, ông Bảo giải thích: “Sau khi Trung tâm Chống ngập đề nghị Sở GTVT TP tiếp quản cây xanh đã trồng, Sở có giao cho Khu 2 cùng chúng tôi đi kiểm tra. Dựa trên biên bản kiểm tra do Khu 2 thực hiện thì cây phát triển tốt, không có tình trạng lép tán hay sâu bọng. Về giá đỡ, khi trồng đều có đủ nhưng do cây đã trồng từ năm 2012 nên giá đỡ bị tháo dỡ, hư hỏng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hiện nay cây đã lớn, phát triển tốt nên chúng tôi không cần phải bổ sung thêm giá đỡ”.

Vậy tại sao Sở GTVT TP lại cho rằng một số cây không đảm bảo cần phải thay thế? Ông Bảo phân trần: “Sau lần kiểm tra do Khu 2 chủ trì, Sở GTVT TP lại tổ chức kiểm tra tiếp. Lần kiểm tra này do chuyên viên của Sở thực hiện và không thấy lập biên bản. Do đó, chuyện phản ánh cây bị lép tán, thân bị hư là không có cơ sở”.

Trao đổi qua điện thoại với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết Sở đang đợi giải trình của chủ đầu tư, sau đó mới đưa ra hướng giải quyết.

Không nên trồng cây dầu nơi trũng thấp

Nhiều chuyên gia về cây xanh cho rằng trồng cây dầu ven kênh - nơi thường có mực nước cao là không hợp lý. “Cây dầu có đặc tính sinh trưởng phù hợp với vùng cao ráo. Vì cây có rễ ăn sâu nên nếu trồng ở những nơi thấp trũng, có mực nước cao khi cây lớn rất dễ xảy ra tình trạng chết úng vì thừa nước. Trong giai đoạn đầu cây phát triển bình thường nhưng khi cây lớn khoảng 20-30 năm, rễ cây đâm sâu hậu quả mới xảy ra. Mới đây, ở Công trường Lam Sơn (quận 1) cũng phát hiện có hai cây dầu có dấu hiệu chết úng do mực nước cao” - ông Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cây xanh Việt Nam, giải thích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm