Chiều 16-12, UBND TP.HCM tổ chức tọa đàm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP do Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan chủ trì.
Có khoảng cách lớn giữa chính sách
và thực thi
Tại tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết 10 năm qua PCI của TP.HCM không thấp, sáu năm trước luôn nằm trong top 10. TP.HCM cũng là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn nhưng năm 2020, PCI của TP.HCM được xếp hạng thứ 14.
Theo ông Tuấn, TP.HCM từng là đầu tàu, là cực phát triển, các sáng kiến chính sách của TP là đầu vào cho chính sách của trung ương. Tuy nhiên, thời gian qua ông chưa nghe nhiều về sự đi trước, năng động, tiên phong trong mô hình của TP.HCM.
Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Tuấn dẫn chứng hàng loạt chỉ số thành phần “khiêm tốn” của TP.HCM trong PCI. Chẳng hạn, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận thông tin đầu tư công, quy hoạch sử dụng đất, thậm chí phải “biết ông này, bà kia” mới được tiếp cận thông tin. Nhiều DN phản ánh phải chờ cả tháng mới được gặp chính quyền, thời gian giải quyết chậm, thái độ cán bộ khó chịu…
Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng chỉ ra một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến PCI là khoảng cách giữa chính sách và thực thi rất lớn. Ông đề nghị TP triển khai bộ chỉ số DDCI để thúc đẩy PCI cao hơn.
DDCI là bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương, được dùng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương. |
Kết quả PCI phụ thuộc vào cán bộ
tiếp nhận hồ sơ
Trao đổi tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận “không thể khai thác được gì” từ một số trang web cũ kỹ, thiếu thông tin của các sở, ngành. Ông cũng chia sẻ với việc DN hẹn gặp chính quyền nhưng mất đến một tháng.
Theo ông Hoan, vừa qua trong dịch, TP thực hiện nhiều thủ tục trực tuyến mức độ 4, DN rất mừng nhưng khi quay về trạng thái bình thường mới thì lại như cũ, thậm chí “hết dịch thì mời anh lên ký lại hồ sơ”.
Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng vừa qua TP hoạch định chính sách tốt nhưng thực thi thì chưa tốt, có những đề án năm năm sau mở lại vẫn còn mới tinh. Ông đề nghị từng ngành về xem lại vì ngành nào cũng có chương trình cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, có kế hoạch chấn chỉnh PCI. Do đó, nếu mỗi ngành đều làm tốt thì TP sẽ tốt lên.
“Ở trên này chúng ta nói được nhưng làm là từ cấp dưới, từ chỗ cán bộ. Làm sao giám sát được việc cán bộ có làm tốt không, tiếp nhận hồ sơ có niềm nở, hướng dẫn bà con có chân thành không, làm quan hay làm công bộc của dân?” - ông Hoan trăn trở.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận việc cải thiện PCI là việc cần thiết phải làm. Bởi kết quả PCI là tiếng nói, tiếng lòng của người dân và DN, là cơ sở để chính quyền TP hành động và xây dựng kế hoạch nếu có những mặt chưa làm tốt, những lỗ hổng.
“Thời gian tới, TP cần cải thiện các chỉ số đã tốt rồi để tốt hơn, khắc phục những chỉ số ở khu vực trung vị hoặc dưới trung vị để đi lên” - ông Hoan đề nghị và nhấn mạnh TP phải quan tâm hơn đến bốn chỉ số có liên quan trực tiếp đến PCI, gồm chỉ số hỗ trợ DN, đào tạo nghề, minh bạch và chi phí không chính thức (chiếm 70%).
Phó Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định kết quả PCI tốt hay xấu, có chuyển biến được hay không là tùy thuộc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, phụ thuộc đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ trực tiếp làm việc với DN, giải quyết hồ sơ. Những người này phải cải thiện thái độ, kinh nghiệm, trình độ để tiếp dân, không để “hồ sơ đút vào thì đẩy ra”.
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan giao Sở KH&ĐT xây dựng bộ chỉ số DDCI và trình TP trong tháng 6-2022. TP.HCM sẽ coi đây là kết quả thực hiện nhiệm vụ của thủ trưởng và cấp phó phụ trách cải cách hành chính và phụ trách DN.
Phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn Tại tọa đàm, đại diện Ban quản lý (BQL) các khu chế xuất và công nghiệp TP (gọi tắt là BQL) cho biết hằng năm BQL thực hiện 88% thủ tục hành chính trước thời hạn, còn lại là đúng hạn, không có trễ hạn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các văn bản luật mới đã làm ảnh hưởng đến cơ chế một cửa này. Chẳng hạn, Luật Môi trường ra đời thì việc đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận bảo vệ môi trường vẫn còn đang ở các địa phương hoặc ở Sở TN&MT mà chưa được phân cấp trở lại cho BQL khiến DN phàn nàn rất nhiều, trong khi các thủ tục này trước đây BQL đều giải quyết trước thời hạn. “Nếu muốn nâng PCI của TP lên thì việc đầu tiên là phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các sở, ban, ngành; quận, huyện đối với các nội dung mà TP chủ động được” - đại diện BQL nói. Việc DN thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cũng có bất cập. Chẳng hạn, DN muốn xin giấy phép lao động đi nước ngoài nhưng có đến 100 bộ hồ sơ. Nếu phải scan cả trăm bộ này, công chứng để gửi hồ sơ lên môi trường mạng thì sẽ rất mất thời gian. |