Cần trở lại với thực tế để bớt đi sự kỳ vọng thần thánh thiếu cơ sở, hay nói khác đi là bớt sự ảo tưởng. Chẳng hạn như HLV Formosinho vốn là bạn đồng hương của HLV Calisto và là trợ lý đắc lực của “người đặc biệt” Mourinho. Thế nhưng khi ông Formosinho sang Việt Nam làm HLV đội Đồng Tâm Long An và B. Bình Dương thì đều “gãy” nặng nề.
Điểm lại các vết xe đổ của thầy Hàn ở Đông Nam Á
Điểm lại các HLV Hàn Quốc từng đến với bóng đá Việt Nam như Nam Dae Sik cũng thất bại nặng nề ở B. Bình Dương, hay HLV Choi Yum Kyum cũng nhạt nhòa và rời HA Gia Lai không kèn không trống…
Nay trợ lý Guus Hiddink được ký rất nhanh và gấp rút để thay HLV Hữu Thắng nằm ngoài danh sách các HLV “xin việc” ngoài thành tích còn có gì để gọi là thích hợp?
Khu vực Đông Nam Á có những HLV người Hàn Quốc đến các quốc gia làm nhiệm vụ mang tính khai phá. Ngoại giao như với Đông Timor là HLV Kim Shin Hwan; hoặc Brunei có HLV Lee Oh Soon; Campuchia có HLV Lee Tae Hoon (trước làm HLV đội tuyển quốc gia, nay chuyển xuống làm HLV các đội trẻ). Các đội tuyển Myanmar (nam và nữ) cũng từng có các HLV Hàn Quốc, song điều trông chờ ở những HLV trên đều chưa để lại dấu ấn gì ngoài tính kỷ luật ở những nơi HLV người Hàn Quốc đặt chân đến.
Với HLV Park Hang Seo mà bóng đá Việt Nam vừa mời ông về lại là câu chuyện khác.
Ai cũng thấy (thậm chí cả những ông bầu máu mặt bóng đá cũng nhìn ra) nếu cứ “đu” theo thành tích nóng thì HLV nào cũng gãy. Khi không đáp ứng được thành tích nóng, “ăn xổi” thì đều sớm lên đường. Áp lực từ ngay những ông bầu nắm quyền sinh sát thể hiện rất rõ. Còn với VFF thì họ lại rất sợ dư luận khi không có thành tích. Thậm chí là sợ cả chính người trong ngôi nhà VFF có quyền lực hay thuộc dạng to mồm nên không đủ kiên nhẫn với HLV chưa có thành tích. Vậy thì trợ lý của HLV Guus Hiddink tại World Cup 2002 nay đến với bóng đá Việt Nam, nếu không thay đổi được quan điểm dùng người thì chắc chắn cũng chả hứa hẹn số mạng của ông thầy Hàn với bóng đá Việt Nam.
Cầu thủ Việt Nam, tuyển thủ Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp nhiều thứ lắm. Yếu thể lực, yếu thần kinh và kém cả khả năng chuyên môn lẫn tính kỷ luật. Những trận căng thẳng bị đối phương giăng bẫy chơi rát thì hay manh động trả đũa là dính thẻ rồi đánh mất mình. Như trận lượt về với Indonesia ở AFF Cup 2016 là rõ nhất.
HLV Park Hang Seo (phải) khi còn là trợ lý HLV Guus Hiddink cùng dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002. Ảnh: AFC NEWS
Thuê thầy ngoại có bắt họ phải làm lại từ đầu?
Có lần chúng tôi chứng kiến HLV Miura mất rất nhiều thời gian để thị phạm cho các tuyển thủ Việt Nam một pha ném biên. Ông làm đi làm lại đến chục lần và điều đó chứng minh rằng có những thứ phải tập lại từng li từng tí. Những dạng như thế mà HLV trưởng quốc gia, nhất là HLV nước ngoài tốn nhiều thời gian “đào tạo lại” ở đội tuyển cho thấy không dễ để đi vào nề nếp dù có là thầy giỏi đến đâu hay có là Mourinho đến với bóng đá Việt Nam.
Nhất định HLV Park Hang Seo sẽ gặp lại những thực trạng mệt mỏi này và sẽ sốc thay vì ở Hàn Quốc khi nắm đội tuyển ông chỉ làm mỗi việc rèn giũa chiến thuật, miếng mảng hơn là “đào tạo lại” những điều cơ bản của cầu thủ chuyên nghiệp.
Đã vậy lại bị áp lực từ dư luận, lãnh đạo, không biết mặt bằng cầu thủ mình đang ở đâu mà cứ cầm quân tuyển là phải đánh bại Myanmar, đánh bại Malaysia, đánh bại Indonesia và đánh bại Thái Lan mới chịu được. Điều này rất ảo tưởng bởi đánh bại một nền bóng đá hơn mình cần phải có một lộ trình và một nền tảng từ cấp độ trẻ cùng chiến lược rõ ràng.
Hãy nhìn sang Myanmar, nơi mà ông chủ tịch U Zaw Zaw vừa có quyền lực lại vừa kiên trì với sự trợ giúp về chuyên môn khiến ông chấp nhận bảo đảm cho vị HLV người Đức Gerd Zeise thực hiện lộ trình dài hơi mà không cần phải gặt thành tích ngay.
HLV Gerd Zeise khi được mời về thì nắm toàn quyền các tuyến trẻ (trước khi HLV Avramovic từ chức và Gerd Zeise nắm cả đội tuyển). Ông được trao vai trò như một giám đốc kỹ thuật coi xuyên suốt. Ông trị các ngôi sao hàng đầu của tuyển Myanmar và được ông chủ tịch LĐBĐ Myanmar ủng hộ để không ai can thiệp vào.
Dễ nhận ra bóng đá Myanmar trong vòng ba năm qua đuổi kịp và có lúc vượt mặt Việt Nam. Ở đội tuyển thì họ đồng hạng ba AFF Cup 2016 với Việt Nam, ở cấp độ U-22, U-23 thì họ đã ngang bằng và qua mặt. Hai kỳ SEA Games gần đây nhất họ đều vượt mặt Việt Nam. SEA Games 28 thì họ đánh bại U-23 Việt Nam ở bán kết, SEA Games 29 thì họ vào bán kết, còn Việt Nam thì bị loại ngay sau vòng bảng. U-19 Đông Nam Á vừa kết thúc thì họ vào bán kết, còn Việt Nam bị loại ngay sau vòng bảng…
Nhìn vào đấy lại thấy lo cho HLV Park Hang Seo liệu có rơi vào vết xe đổ của các HLV cũ từng “gãy” đau khi dấn thân với bóng đá Việt Nam.
Vì sao phải gấp rút mời thầy ngoại khi nhiệm kỳ VII sắp kết thúc? Việc mời HLV người Hàn Quốc được gấp rút tiến hành và đây lại là việc “đánh nhanh, gút lẹ” của một nhóm vài người trong lãnh đạo VFF khiến nhiều người trong giới chuyên môn không khỏi ngạc nhiên. Lần này rõ ràng Hội đồng HLV Quốc gia không là “cái đinh gì” bởi họ bị xếp ngoài cuộc. Lần này trong việc đi thương thảo có cả ông Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã làm đơn xin nghỉ nhưng vẫn có vai trò lớn trong việc tìm thầy. Tìm thầy ngoại gấp trước khi nhiệm kỳ VII VFF kết thúc khiến nhiều người ngạc nhiên về việc “làm mới” bóng đá Việt. Việc này đúng vào giai đoạn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo củng cố, liệu có phải là một hình thức để tập trung truyền thông vào thầy ngoại thay vì theo nội tình VFF? Hơn hết là thầy ngoại người Hàn lại nằm trong “kênh” tự kiếm, tự tìm hiểu, từ hợp đồng chứ không thuộc phạm vi các đơn xin việc xếp hồ sơ gửi VFF. Đ.TRƯỜNG |