“Việc đi qua ngã tư quốc lộ 1 - hương lộ 2 (quận Bình Tân) quả là kinh khủng, có lúc phải mất hai tiếng mới thoát được. Nhưng công trình cầu vượt ở đây thi công nhanh thật, mới có năm tháng đã xong. Từ nay cảnh kẹt xe có lẽ sẽ không còn tái diễn” - tài xế Trần Hữu Cường (quận Gò Vấp) hồ hởi trong ngày đầu năm mới.
Nhiều tín hiệu tích cực
Cầu vượt ngã tư quốc lộ 1 - hương lộ 2 chính thức thông xe vào ngày 1-1. Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay: Theo kế hoạch ban đầu, cầu vượt này chỉ được khai thác từ cuối tháng 3-2015. Tuy nhiên, do quá trình thi công thường xuyên xảy ra ùn ứ, nhất là giờ cao điểm, đồng thời dự báo nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao trong khoảng thời gian trước tết Nguyên đán nên Sở GTVT cùng chủ đầu tư và nhà thầu quyết định đẩy nhanh tiến độ.
Trong khu vực nội thành, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM (HUUI - IMU, chủ đầu tư) cho biết trong năm qua đã hoàn thành việc phá dỡ, xây mới các cầu Lê Văn Sỹ, cầu Bông, cầu Kiệu (nằm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và cầu Hậu Giang (trên kênh Tân Hóa). Các cầu này cũng được thi công rất gấp rút và hoàn thành chỉ trong vài tháng ngắn ngủi. Hiện nay người dân đã thoải mái đi lại trên các cầu, còn bên dưới thì tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa nằm ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng được thông suốt. Ngoài ra, việc nâng tĩnh không của các cầu Kiệu, cầu Bông còn mở ra cơ hội thưởng ngoạn bằng thuyền, canô trên tuyến kênh này.
Kênh Tân Hóa vốn ô nhiễm nghiêm trọng đã được thay thế bằng tuyến cống hộp và làm đường bên trên. (Ảnh chụp chiều 2-1) Ảnh: HTD
Những kỳ vọng trong năm 2015
Chỉ trong vài ngày tới, các cầu Ông Buông 1 và 2 được thông xe. Nhờ đó, trục đường Hồng Bàng quan trọng nối khu vực cửa ngõ phía tây thành phố với nội thành sẽ được thông suốt. Cùng với việc xây mới hai cầu ông Buông, HUUI - IMU biến tuyến đường Tân Hóa - Lũy Bán Bích thành “đại công trình” khi đồng loạt tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc để cải tạo, mở rộng tuyến đường. Đây là trục đường quan trọng nối từ nút giao Phú Lâm (quận 6), đi qua quận 11 và quận Tân Phú để ra Bà Quẹo (quận Tân Bình) với tổng chiều dài khoảng 5 km. Trong những ngày cuối năm 2014, người dân đã nhận ra sự khác biệt lớn khi toàn bộ chiều dài của tuyến đường đã được mở rộng gần gấp đôi (thành 23 m) so với trước. Như vậy, trong vài tháng tới, công trình sẽ giúp người dân đi lại an toàn hơn, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng ngập úng và chỉnh trang đô thị cho khu vực.
Trước đó, HUUI - IMU cũng mở một trục đường mới, nối đường Đồng Đen (quận Tân Bình) đến cổng Đầm Sen (quận 11) khi đưa vào khai thác hơn 5 km đường kênh Tân Hóa. Con đường này nằm trong dự án cải tạo tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm được hình thành từ việc lấp tuyến kênh Tân Hóa (qua quận 11, Tân Phú, Tân Bình) vốn ô nhiễm nghiêm trọng để thay thế bằng tuyến cống hộp và làm đường bên trên. Việc có thêm tuyến đường mới này đã góp phần tháo gỡ căng thẳng về giao thông cho nhiều trục đường quan trọng như Âu Cơ, Lũy Bán Bích, Lạc Long Quân…
Ngoài các công trình trên, trong năm 2015 sẽ có một số công trình giao thông quan trọng khác được đưa vào khai thác. Đơn cử, dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 10B từ đường Tên Lửa (quận Bình Tân) theo cầu vượt quốc lộ 1 và cắt ngang đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương và nhập vào dự án tỉnh lộ 10 sẽ tạo thành một trục giao thông quan trọng dài gần 14 km kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây. Tuyến đường sẽ hoàn thành trong quý I-2015, giúp chia bớt lưu lượng phương tiện cho tuyến quốc lộ 1 hiện đang quá tải.
Trong khi đó, dù kế hoạch thông toàn tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (dài gần 14 km, đã đưa vào khai thác đoạn giữa, dài gần 6,5 km) bị lùi lại nhưng ở đoạn cuối, UBND TP yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo tập trung thi công để xong đoạn từ đường 20 đến cầu Gò Dưa và đoạn từ ngã ba Linh Đông đến nút giao Linh Xuân trước tết Nguyên đán 2015. Còn đoạn đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (dài khoảng 1,5 km) vẫn vướng mặt bằng nên chủ đầu tư đề nghị xong đoạn này trong tháng 5-2016.
Cách dự án Vành đai ngoài này không xa, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 đang mở nhánh rẽ trên các đường Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm để sắp tới bắt tay vào việc xây dựng cầu vượt bằng thép tại nút giao ngã sáu Gò Vấp. Theo kế hoạch, tại đây sẽ có một cây cầu vượt bằng thép hình chữ Y với nhánh chính nằm theo đường Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm và nhánh rẽ theo đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh. Công trình có tổng vốn đầu tư trên 350 tỉ đồng, sẽ được đưa vào sử dụng ngay trong năm 2015 để xóa điểm nóng kẹt xe tại ngã sáu này.
Ở khu vực trung tâm, dự án phố đi bộ đầu tiên (đường Nguyễn Huệ) ở TP.HCM cũng sẽ được hoàn thành trong năm 2015. Trong đó, đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Lê Lợi được hoàn thành trước và đoạn còn lại từ Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng sẽ hoàn thành trước ngày 30-4. Cách đó không xa, dự án cải tạo Công viên 30-4 cũng được lên kế hoạch với các phần việc gắn thêm bó vỉa granite, lắp hệ thống tưới nước tự động, cải tạo bồn cỏ, kiểng; cải tạo lối đi, vỉa hè đường dạo bằng đá granite mặt nhám. Kinh phí dự kiến cho việc cải tạo công viên rộng 3,5 ha nằm giữa lòng trung tâm thành phố là 23,5 tỉ đồng. 36 triệu USD là số tiền tiết kiệm được trong dự án cải tạo tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm và được dùng làm nguồn kinh phí xây mới các cầu Kiệu, Bông, Lê Văn Sỹ, Ông Buông, Hậu Giang và cải tạo, mở rộng đường Tân Hóa - Lũy Bán Bích… |