Troy Davis và nghi án giết cảnh sát

Đây là người thứ 52 bị xử tử tại bang Georgia từ khi Tòa án Tối cao liên bang khôi phục án tử hình vào năm 1973.

Đêm 21-9, nhiều người đã tập trung bên ngoài nhà tù Jackson để than khóc, thắp nến cầu nguyện và phản đối bản án mà họ xem là bất công nhất trong lịch sử hệ thống pháp lý Mỹ. Trong vụ án này, nhiều bằng chứng áp đảo cho thấy anh vô tội.

Troy Davis 42 tuổi đã sống 20 năm trong tù để chờ ngày bị hành quyết. Ngày thi hành án tử hình của anh được hoãn bốn lần. Phiên tòa năm 1991 đã kết án anh sát hại cảnh sát Mark MacPhail vào năm 1989.

Biểu tình bên ngoài nhà tù Jackson đòi công bằng cho tử tội Troy Davis. Ảnh: AP

Tòa buộc tội chủ yếu theo lời khai của chín nhân chứng. Tuy nhiên, sau đó bảy nhân chứng đã rút bỏ lời khai. Trong hai người còn lại, một người bị nghi ngờ chính là hung thủ. Không có bằng chứng ADN hay chứng cứ pháp lý nào liên kết Troy Davis với vụ giết người. Hung khí là khẩu súng cỡ 38 mm chưa bao giờ được tìm thấy.

Hàng trăm ngàn người trên thế giới đã ủng hộ Troy Davis, trong đó có cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ William Sessions, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Giáo hoàng Benedict XVI, Tổng Giám mục Desmond Tutu (giải Nobel Hòa bình). Quốc hội một số nước, nguyên thủ quốc gia các nước châu Âu và các tổ chức nhân quyền yêu cầu trả tự do cho Troy Davis. Chiến dịch vận động thả Troy Davis thu được hơn 640.000 chữ ký.

Vụ xử tử hình Troy Davis đã dấy lên tranh cãi về sự phân biệt chủng tộc và giai cấp của hệ thống pháp lý Mỹ. Theo thống kê của Đại học Bắc Carolina (Mỹ), các bị cáo trong các vụ án giết người mà nạn nhân là người da trắng có khả năng nhận án tử hình cao gấp 3,5 lần so với vụ án có nạn nhân là người da màu.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, từ năm 1970, số người bị bắt liên quan đến ma túy tăng từ 320.000 lên 1,6 triệu người. Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cho rằng trong số đó, người da màu có nguy cơ bị bắt gấp 2-11 lần hơn vì tình nghi sử dụng ma túy. Theo Sở Cảnh sát New York, người da màu và người Mỹ gốc La tinh có nguy cơ bị cảnh sát quấy rầy cao gấp ba lần so với người da trắng.

Trở lại nhà tù bang Georgia, cho đến trước khi trút hơi thở cuối cùng, tử tù Troy Davis vẫn khẳng định mình vô tội. Vụ xử tử hình Troy Davis đã gây phẫn nộ trong và ngoài nước Mỹ, đặc biệt ở các quốc gia tiến bộ tại châu Âu.

QUANG MINH (Mỹ) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới