Ngày 29-4, thủy phi cơ đổ bộ do Trung Quốc tự chế tạo có tên AG600 đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại TP Châu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông, Đông Nam Trung Quốc. Chuyến bay này được thực hiện sớm hơn so với dự kiến ban đầu là vào cuối tháng 5.
Tân Hoa xã cho biết thủy phi cơ đổ bộ AG600 được thiết kế để dập tắt các đám cháy rừng và thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ trên biển. AG600 cũng có thể được “sử dụng để giám sát và bảo vệ đại dương”.
Theo NDTV, AG600 được đánh giá là thủy phi cơ đổ bộ lớn nhất thế giới, có trọng lượng cất cánh 53,5 tấn, dài 37 m với sải cánh rộng 38,8 m. AG600 có thể hút được 12 tấn nước trong vòng 20 giây để phục vụ mục đích chữa cháy rừng cũng như nhiệm vụ cứu hộ trên biển.
Ảnh chụp ngày 23-7-2016 cho thấy Trung Quốc tiết lộ thủy phi cơ đổ bộ AG600 trong một sự kiện ra mắt ở TP Châu Hải, tỉnh Quảng Đông. AG600 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên thành công vào ngày 29-4-2017. Ảnh: AFP
AG600 có tầm hoạt động tối đa 4.500 km. Với kích thước gần bằng máy bay Boeing 737, thủy phi cơ này lớn hơn bất kỳ loại máy bay nào được thiết kế để cất và hạ cánh trên biển.
Trước đó, tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), công ty quốc phòng và vũ trụ do Trung Quốc sở hữu, hồi tháng 3 cho biết AG600 dự kiến thử nghiệm từ mặt đất vào cuối tháng 5 và trên mặt nước vào giữa sáu tháng cuối năm 2017. AVIC đã nhận đơn đặt hàng 17 chiếc AG600.
Theo Reuters, chuyến bay đầu tiên của AG600 được thực hiện giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các động thái hung hăng để khẳng định các tuyên bố chủ quyền đơn phương của nước này ở biển Đông, nơi Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo trái phép và triển khai các thiết bị quân sự khiến các nước trong và ngoài khu vực quan ngại.
Trung Quốc hiện trải qua chương trình hiện đại hóa quân sự lớn, từ thử nghiệm các tên lửa chống vệ tinh tới chế tạo các chiến đấu cơ tàng hình và mới đây cho hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này.