Trung Quốc có thể đe dọa Mỹ tới mức nào?

Mỹ và các đồng minh cần đánh giá đúng mức mối đe dọa từ Trung Quốc (TQ) để phản ứng một cách hợp lý nếu muốn bảo vệ trật tự thế giới có lợi cho phương Tây. Đây là nhận định của TS Michael Swaine, Giám đốc Chương trình châu Á của Viện Quincy (Mỹ, chuyên nghiên cứu về quản lý nhà nước có trách nhiệm), trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải).
Ảnh: FINANCIAL TIMES

Nhắc tới TQ, phương Tây thường tập trung vào các hành vi gây hấn, sự khác biệt về tư tưởng hay các chính sách gia tăng ảnh hưởng như ngoại giao “bẫy nợ”. Tuy nhiên, ông Swaine nhấn mạnh rằng thách thức với Mỹ không hẳn là đối phó TQ, mà trước hết phải hiểu biết một cách tổng thể và thực chất các mối đe dọa từ đối thủ này. Theo ông, TQ vẫn gặp phải nhiều vấn đề cản trở mình có thể đe dọa được một nước Mỹ có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

TQ vẫn khó đánh bại Mỹ về kinh tế và công nghệ

Một số quan điểm phổ biến hiện nay lo ngại TQ sẽ vượt trội hoàn toàn về kinh tế, đe dọa sự tồn tại “ổn định và thịnh vượng” của Mỹ với tư cách “cường quốc số một thế giới”, hay Bắc Kinh sẽ chiếm ưu thế gần như tuyệt đối về thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và công nghệ. Tuy nhiên, ông Swaine cho rằng “hầu như không thể tưởng tượng được TQ có thể đạt được mức độ thống trị như vậy”.

Chuyên gia này lưu ý rằng Mỹ đang sở hữu nguồn năng lượng, công nghệ, nhân lực chất lượng cao… dồi dào cùng mức độ tích lũy vốn và của cải khổng lồ. Còn TQ có ưu thế về nguồn lao động khổng lồ và có tinh thần kinh doanh cao nhưng dân số đang già hóa nhanh chóng. Đồng thời, Bắc Kinh vẫn phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Ông Swaine dự đoán TQ sẽ tận dụng sức hút từ thị trường tỉ dân của mình để lôi kéo các nước khác ủng hộ lập trường của Bắc Kinh. Việc này có thể sẽ giúp TQ loại bỏ nhiều quan điểm đối nghịch và phần nào đe dọa các giá trị phương Tây. Bắc Kinh còn có thể loại các công ty phương Tây khỏi thị trường TQ, xây dựng và lôi kéo các nước vào một hệ sinh thái công nghệ riêng. Đường lối phát triển khoa học - công nghệ đầy tham vọng và ưu thế về công nghệ 5G của TQ khiến nhiều người tin rằng Bắc Kinh có thể thiết lập quy chuẩn công nghệ toàn cầu.

Tuy nhiên, giới phân tích chính trị thế giới nhất trí rằng các công ty Mỹ và phương Tây vẫn chiếm ưu thế về công nghệ và phạm vi tiếp cận toàn cầu, cũng như nắm giữ các bằng sáng chế thiết yếu. Do đó, ngay cả khi TQ xây dựng được vị thế nhất định trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu, nước này vẫn bị cho là không có năng lực đánh bại Mỹ.

 

Khái niệm về sự suy giảm của Mỹ đã bị phóng đại. Mỹ vẫn giữ được những tài sản lớn, đặc biệt là về kinh tế.

MARTIN WOLF, Trưởng nhóm bình luận kinh tế của tờ Financial Times

TQ gặp bất lợi khi muốn gia tăng ảnh hưởng toàn cầu

Ông Swaine nhắc tới kịch bản TQ đe dọa vị thế của Mỹ bằng cách làm đảo lộn trật tự toàn cầu và gia tăng ảnh hưởng ở nước ngoài, song cho rằng những lo ngại này đang bị “phóng đại quá mức”.

Mô hình quản trị mà TQ đang theo đuổi bị cho là không mấy hấp dẫn với các nước, khiến Bắc Kinh khó quảng bá hệ giá trị của mình giống cách Mỹ đã làm với các quan điểm dân chủ và tự do. Giải thích thêm nhận định này, ông Swaine nhắc lại rằng TQ đã phát triển thần tốc từ thập niên 1980 nhưng chưa nước nào thực sự học hỏi hay sao chép mô hình TQ.

TQ có tỉ lệ tiết kiệm trong dân chúng cao, đơn vị tiền tệ mang tính nội địa, động lực việc làm và cơ sở hạ tầng phụ thuộc vào khu vực kinh tế quốc doanh, trong khi các nước khác “không thể sao chép” mô hình TQ để tạo ra nền tảng kinh tế - xã hội tương tự. Ngay tại TQ, mô hình này cũng không bền vững do tình trạng tham nhũng, sự gia tăng khoảng cách giàu - nghèo hay nỗi lo “già trước khi giàu”.

Trong khi đó, phương Tây đã cảnh giác hơn trước các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của TQ. Mỹ và các đồng minh đã yêu cầu đóng cửa nhiều Viện Khổng Tử - mô hình bị cho là đang cố xâm nhập môi trường học thuật quốc tế để nâng cao hình ảnh của Bắc Kinh, đồng thời siết chặt quản lý các Viện Khổng Tử còn hoạt động và phát triển các sáng kiến học thuật cạnh tranh với TQ. Riêng tại Mỹ, Hiệp hội Học giả Quốc gia (NAS) cho biết 53 Viện Khổng Tử đã bị đóng cửa trong bốn năm qua và tới cuối năm nay, chín trong số 50 cơ sở còn lại sẽ dừng hoạt động.

Ông Swaine kết luận rằng việc bác bỏ những đồn đoán quá đà về mối nguy TQ sẽ giúp Mỹ giải quyết tốt hơn các thách thức, trong khi việc khẳng định, hay thậm chí chỉ ám chỉ rằng TQ là một mối đe dọa “sống còn” có thể sẽ cực kỳ phản tác dụng. Lập trường cực đoan này không những cản trở Washington tìm ra cách vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với Bắc Kinh mà còn gia tăng áp lực lên ngân sách quốc phòng của Mỹ.•

 

Dù đã sử dụng những từ ngữ ít gay gắt hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn coi TQ là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với Washington. Ngày 28-4, lần đầu phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, ông Biden nhấn mạnh rằng TQ “hết sức nghiêm túc trong việc trở thành quốc gia quan trọng nhất trên thế giới”.

Ông Biden cho rằng Mỹ phải “phát triển và vượt trội ở các sản phẩm và công nghệ của tương lai” như pin xe điện, công nghệ sinh học, chip máy tính và năng lượng sạch vì “không có lý do gì” Washington để những ưu thế này rơi vào tay Bắc Kinh.

Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng lưu ý rằng cạnh tranh với TQ không đồng nghĩa với việc Mỹ muốn tìm kiếm xung đột.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm