Mỹ: Trung Quốc 'đốt tiền' vào tên lửa diệt hạm nhưng sẽ vô ích

Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho rằng Trung Quốc “đổ nhiều tiền” vào tên lửa đạn đạo diệt hạm nhưng sẽ không giúp quân đội nước này chiến thắng nếu có xảy ra xung đột giữa hai quốc gia.

Trung Quốc đổ nhiều tiền phát triển tên lửa diệt hạm gây bất ổn Biển Đông

Theo báo South China Morning Post (SCMP), Phó Đô đốc Jeffrey Trussler – phó tư lệnh hải quân Mỹ phụ trách mảng chiến tranh thông tin cho hay Mỹ đang theo dõi chặt chẽ chương trình tên lửa của Trung Quốc. Ông còn gọi chương trình tên lửa của Trung Quốc là nỗ lực gây bất ổn khu vực.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D của Trung Quốc. Ảnh: USNI News

“Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết về những gì chúng tôi biết và chưa biết về nó. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đổ rất nhiều tiền nhằm phát triển năng lực tên lửa diệt hạm ở khu vực Biển Đông. Đây là nỗ lực gây bất ổn ở Biển Đông và biển Hoa Đông” – ông Trussler nói trong hội nghị trực tuyến của Liên minh Tình báo và An ninh Quốc gia hôm 27-1, theo trang USNI News.

Phó Đô đốc Trussler cho rằng khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp tại Biển Đông thì nước này tìm cách quân sự hóa những thực thể này.

Hồi tháng 8-2020, SCMP đưa tin quân đội Trung Quốc đã bắn thử tên lửa DF-26B và “sát thủ diệt tàu sân bay” DF-21D vào mục tiêu tại Biển Đông.

Ông Trussler xác nhận: “Chúng tôi đang theo dõi rất sát sao chương trình tên lửa của Trung Quốc. Điều đó làm xáo trộn trật tự quốc tế và gây lo ngại cho các đồng minh trong khu vực”.

DF-21D và DF-26B là biến thể của tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 và tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26. Những tên lửa này được cho có khả năng tấn công tàu chiến cỡ lớn, chẳng hạn như tàu sân bay hay tàu tấn công đổ bộ.

DF-21D có tầm bắn khoảng 1.800 km, trong khi DF-26 có tầm bắn 4.000 km, theo Lầu Năm Góc. Ông Trussler cho hay hải quân Mỹ đang theo dõi việc Trung Quốc phát triển tên lửa DF-26.

Mỹ đủ sức đối phó tên lửa diệt hạm của Trung Quốc?

Các nhà phân tích quân sự nhận xét những tuyên bố của ông Trussler cho thấy Mỹ đang phát triển các biện pháp đáp trả tên lửa đạn đạo diệt hạm của Trung Quốc.

“Điều mà ông Trussler đang nói là Mỹ có đủ sức mạnh để ứng phó mối đe dọa tên lửa diệt hạm từ Trung Quốc” – nhà bình luận quân sự Song Zhongping ở Hong Kong nói.

Đội tàu sân bay lớp Nimitz USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận tại Thái Bình Dương năm 2020. Ảnh: US Navy/The Drive

“Mỹ đang nhấn mạnh mối đe dọa đó và họ sẽ tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ chống lại tên lửa Trung Quốc” – ông Song nói tiếp.

Ông cho rằng quân đội Mỹ có thể tìm kiếm thêm kinh phí để thực hiện điều này.

Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết Mỹ đang đầu tư nhiều hơn vào phát triển tên lửa siêu thanh và hệ thống laser bố trí trên tàu, có thể được sử dụng để chống lại đe dọa này từ Trung Quốc.

“Hiện tại, quân đội Mỹ sở hữu mạng lưới phòng thủ tên lửa được phát triển toàn diện, trong đó nổi bật ở yếu tố là hệ thống được bố trí trên tàu” – ông Koh nói.

Ông Koh lấy ví dụ về hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis mới, tên lửa đánh chặn SM-3 và SM-6 vốn được vệ tinh cảnh báo sớm hỗ trợ để phát hiện tên lửa đạn đạo sắp lao tới.

“Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm phòng thủ tên lửa đạn đạo có hiệu quả, đặc biệt ngoài khơi Hawaii. Mỹ còn tổ chức các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa với đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc” – ông Koh cho biết.

Theo trang tin USNI News, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đang chuẩn bị cho kịch bản xung đột với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoạt động theo mô hình phân tán lực lượng giữa nhiều căn cứ viễn chinh trong khu vực.

Thủy quân lục chiến Mỹ đang bổ sung vũ khí diệt hạm đặt trên bờ, có thể lắp đặt trên Phương tiện Chiến thuật Hạng nhẹ Hỗn hợp. Lực lượng này dự kiến sử dụng khí tài trên khi vận hành các căn cứ viễn chinh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm