Ngày 9-2, phía Trung Quốc lên án bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt với "những vấn đề to lớn". Theo Bắc Kinh, những bình luận đó là "cực kỳ vô trách nhiệm", hãng AFP đưa tin.
Cuộc khẩu chiến mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh diễn ra sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua đất liền Mỹ vào tuần trước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC |
Cụ thể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 9-2 rằng Bắc Kinh "rất không hài lòng" trước các phát biểu của tổng thống Mỹ.
"Kiểu hùng biện này của Mỹ là cực kỳ vô trách nhiệm và đi ngược lại các nghi thức ngoại giao cơ bản" - bà Mao nói, đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh "kiên quyết phản đối điều này".
Bắc Kinh cũng tái khẳng định khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn rơi tuần trước chỉ phục vụ mục đích dân sự.
“Mỹ coi thường những lời giải thích và nỗ lực liên lạc lặp đi lặp lại của Trung Quốc. Phản ứng thái quá và lạm dụng vũ lực là hành động vô trách nhiệm” - bà Mao nói.
Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh PBS NewsHour ngày 9-2, ông Biden bảo vệ quyết định bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc và nhấn mạnh rằng Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh.
Ông cũng cho rằng ông Tập có "những vấn đề to lớn", bao gồm "nền kinh tế đang hoạt động không tốt".
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông tin họ đã từ chối lời đề nghị điện đàm từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vì quyết định "vô trách nhiệm" của Washington khi bắn hạ khinh khí cầu.
"Cách tiếp cận vô trách nhiệm và sai lầm nghiêm trọng này của Mỹ đã không tạo ra bầu không khí thích hợp cho đối thoại và trao đổi giữa quân đội hai nước" - theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Sau khi ấm lên một thời gian ngắn sau cuộc họp giữa lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu (G20) vào tháng 11-2022, quan hệ Mỹ-Trung đã leo thang sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken hủy chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước liên quan vụ khinh khí cầu.
Trong chuyến thăm Washington tuần này, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói vụ khí cầu Trung Quốc cho thấy các quốc gia trong liên minh cần phải tự bảo vệ mình.
“Chúng tôi cũng đã chứng kiến các hoạt động tình báo của Trung Quốc gia tăng ở châu Âu. Bắc Kinh sử dụng vệ tinh, sử dụng mạng và như chúng ta đã thấy ở Mỹ, cả khí cầu nữa” - theo ông Stoltenberg.