Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang châu Phi

(PLO)- Trung Quốc trong năm qua tăng mạnh hoạt động xuất khẩu vũ khí và dịch vụ an ninh sang châu Phi, cạnh tranh trực tiếp với Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Tần Cương hiện đang có chuyến công du tới châu Phi kéo dài một tuần. Họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki ngày 11-1 (giờ địa phương), ông Tần khẳng định châu Phi phải là một trung tâm lớn cho hợp tác quốc tế, không phải là đấu trường cạnh tranh giữa các cường quốc, theo tờ South China Morning Post.

“Thế giới đang thay đổi theo những cách chưa từng có trước đây. Sự trỗi dậy tập thể của các nước đang phát triển là không thể đảo ngược. Chính sách của Bắc Kinh ở châu Phi dựa trên các nguyên tắc chân thành, kết quả thực tế, tình hữu nghị và thiện chí, cũng như theo đuổi lợi ích chung" - ông Tần cho biết.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (trái) và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) ngày 11-2. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (trái) và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) ngày 11-2. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Đáng chú ý, trong năm qua, giới chuyên gia nhận thấy Bắc Kinh đã đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu vũ khí và dịch vụ an ninh sang khu vực này - vốn là thị trường truyền thống và quen thuộc của Nga.

Vũ khí Trung Quốc đổ về châu Phi

Theo báo cáo tháng 12 của Viện Rand Corporation (Viện Nghiên cứu chính sách của chính phủ Mỹ), khi chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, TQ càng gia tăng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi. Không giới hạn ở lĩnh vực kinh tế, TQ còn mở rộng quan hệ hợp tác quân sự và an ninh trên khắp châu lục này.

Bắc Kinh trong năm qua đã xuất khẩu vũ khí, khí tài cho 17 nước tại châu Phi, trong khi số quốc gia đối tác của Nga ở khu vực này là 14. Các sản phẩm quốc phòng được TQ đưa đến châu Phi gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV), pháo, xe bọc thép, tên lửa và tàu chiến.

Giới quan sát đánh giá sở dĩ TQ có thể tăng thị phần vũ khí tại châu Phi là do Nga đang tập trung cho cuộc chiến ở Ukraine. Các khách hàng tiềm năng ở châu Phi cũng có phần ngại khi nhập vũ khí Nga vì lo rằng Moscow không thể đảm bảo quy trình sản xuất đủ chất lượng vì tình hình chiến tranh, chưa kể tình trạng khan hiếm linh kiện thay thế vì các lệnh cấm vận từ phương Tây.

Nhằm tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, TQ tập trung vào xuất khẩu các thị phần vũ khí riêng biệt như các thiết bị định vị, radar và UAV do nước này tự sản xuất. Chuyên gia John Parachini tại RAND nhận xét rằng TQ giống Nga ở chỗ họ quảng cáo các khí tài của mình như giải pháp thay thế một số sản phẩm phương Tây cùng phân khúc, nhưng với chi phí thấp hơn.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thuỵ Điển), Nga, Mỹ, Pháp, Đức và TQ là những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Phi. Nga có mối quan hệ xuất khẩu vũ khí với các nước châu Phi từ thời Liên Xô. Mỹ, Pháp và Đức có tiếng là sản xuất thiết bị quốc phòng chất lượng cao và có mối quan hệ chặt chẽ với một số quốc gia châu Phi do lịch sử.

Tăng viện trợ quân sự cho châu Phi

TQ cũng cung cấp thêm các gói dịch vụ an ninh do các nhà thầu an ninh - quân sự tư nhân (PSMC) triển khai dưới sự chỉ đạo của quân đội TQ. Phần đông nhân viên các nhà thầu này là các cựu quân nhân từng phục vụ trong quân đội TQ.

Những lực lượng này sau khi đến châu Phi thường bảo vệ các mỏ, cảng biển và tuyến đường sắt, những dự án được tài trợ thông qua sáng kiến Vành đai - Con đường của TQ tại 15 quốc gia trong khu vực.

Trong khi các PMSC Nga giành được hợp đồng ở 31 quốc gia châu Phi, PMCS TQ chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các dự án công nghiệp nói trên. Vai trò này khác so với các nhà thầu an ninh - quân sự tư nhân như Wagner của Nga, vốn bị phương Tây coi là "lính đánh thuê".

Theo nghiên cứu của RAND, có bảy quốc gia châu Phi đã nhận được cả vũ khí và PMSC từ TQ, so với 10 quốc gia từ Nga. Năm quốc gia đã nhận vũ khí và PMSC từ cả TQ và Nga là Angola, Cộng hòa Trung Phi, Ethiopia, Mali và Sudan.

"Cho đến nay, các PMSC TQ chủ yếu hoạt động không vũ trang, tham gia vào các nhiệm vụ bảo vệ hơn là triển khai các hoạt động quân sự" – theo báo cáo của RAND.

RAND cũng không tìm thấy bằng chứng PMSC TQ thực hiện hành động bạo lực hoặc được triển khai như lực lượng Wagner của Nga.

"TQ xuất khẩu dịch vụ quân sự và an ninh cho các nước châu Phi để tạo ảnh hưởng, cũng như bảo vệ lợi ích, các khoản đầu tư và công dân của họ" - chuyên gia Ilaria Carrozza thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Olso (PRIO) nhận định.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ ĐH Boston (Mỹ), TQ trong giai đoạn 2000-2020 đã ứng trước 27 khoản vay quốc phòng trị giá 3,5 tỉ USD cho tám quốc gia châu Phi. Hầu hết trong số này (khoảng 2,1 tỉ USD) đã được ứng trước cho Zambia để mua máy bay, huấn luyện phi công, thiết bị quân sự, xây dựng khu nhà ở cho quân đội và cảnh sát và các cơ sở vật chất liên quan.

TQ cũng là nhà cung cấp các vũ khí thông thường chủ chốt cho các nước như Algeria, Morocco ở Bắc Phi, nơi có nhu cầu vũ khí lớn, bên cạnh Nigeria, Tanzania, Sudan và Cameroon.

Tại khu vực châu Phi cận Sahara, Bắc Kinh cũng bám sát Moscow trên thị trường cung cấp vũ khí quân dụng.

Chuyên gia David Shinn thuộc ĐH George Washington (Mỹ) nhận định Bắc Kinh bán vũ khí cho châu Phi không chỉ vì lợi nhuận, mà còn nhằm tăng quan hệ và ảnh hưởng với các chính phủ và quân đội tại các quốc gia ở đây.

"Xuất khẩu vũ khí là công cụ để tạo sức ảnh hưởng. Các giao dịch vũ khí thường liên quan đến những cuộc đàm phán cấp cao hoặc là một phần những cuộc đàm phán đó. Những lãnh đạo cấp cao của các nước mua vũ khí thường xuyên tham gia vào những giao dịch này, có thể dẫn đến tương tác ngoại giao và thương mại ngoài lề” – theo ông Shinn.

Cái khó của TQ khi muốn mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi

Đằng sau việc TQ thành công tăng hiện diện quân sự - ngoại giao ở châu Phi là vấn đề nợ nần. Một số quốc gia châu Phi tham gia sáng kiến Vành đai - Con đường không thể thanh toán kịp các khoản vay, dẫn đến khủng hoảng kéo theo lạm phát cao và đồng tiền mất giá, trường hợp điển hình là Zambia, theo tờ The New York Times.

TQ nhiều năm qua đã cho nước này vay để phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay. Dự án vẫn chưa được nghiệm thu, song Zambia đã phải gấp rút tái cấu trúc khoản nợ sáu tỉ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trừ khi vấn đề nợ với TQ được giải quyết, họ sẽ không tổ chức cứu trợ cho Zambia.

Trong bối cảnh đó, ngay khi lên nhậm chức, Tổng thống Zambia - ông Hakainde Hichilema đã hủy bỏ một số dự án của TQ. Đến tháng 7-2022. trước sức ép từ các tổ chức tài chính đa phương, lần đầu tiên TQ tham gia cuộc họp với Câu lạc bộ Paris (nhóm không chính thức của 22 quốc gia chủ nợ) để bắt đầu giải quyết vấn đề vỡ nợ của Zambia. Giải pháp được cho là kéo dài thời gian thanh toán cho Zambia hoặc giảm giá trị khoản vay TQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm