Tìm cách biến các rạn san hô thành các đảo nhân tạo, Trung Quốc đang đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Nhà phân tích cao cấp Dean Cheng (*) nhận định như trên trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest (Mỹ).
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về khả năng quân sự của Trung Quốc đã ghi nhận trong năm qua, Trung Quốc đã cải tạo năm rạn san hô thành đảo nhân tạo ở biển Đông, xây dựng cơ sở hạ tầng lớn trên 4/5 đảo nhân tạo này và ít nhất 2/4 cơ sở hạ tầng này có đường băng cho máy bay dân sự lẫn quân sự.
Bắc Kinh xem hành động ngang ngược này là “hợp pháp, chính đáng và cần thiết”.
Trong khi đó, tác giả Dean Cheng nhận định với mưu đồ xây dựng các đảo nhân tạo, Trung Quốc đồng thời đã lập ra vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh đảo và vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý.
Máy bay tuần tra biển P8-A Poseidon của Mỹ phát hiện Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Đá Chữ Thập. Ảnh: PHILSTAR
Trung Quốc đã lên kế hoạch từ lâu nhằm thay đổi bản chất của các vùng đặc quyền kinh tế đồng thời biến vùng biển quốc tế thành vùng lãnh hải có chủ quyền.
Để đối phó kế hoạch của Trung Quốc, Washington đã thận trọng xem xét các phương án hiệu quả nhất.
Một trong các phương án đó là điều động máy bay do thám bay qua không phận các đảo nhân tạo và đưa tàu hải quân đến khu vực các đảo để chứng minh không có vùng lãnh hải có chủ quyền nào phát sinh từ các đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép.
Thông điệp của Mỹ chỉ rõ ràng rằng Trung Quốc không có sức mạnh lẫn quyền hạn để đơn phương quyết định hiện trạng ở biển Đông. Trung Quốc cũng không thể viết lại các điều ước hay luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc có vẻ không chịu lùi bước vì niềm tin ám thị rằng biển Đông từ lâu là lãnh thổ của Trung Quốc.
Ám thị này chẳng những biện minh cho hành động ngang ngược của Trung Quốc mà còn giải thích cách thức Trung Quốc nhìn nhận đó là hành động phòng thủ chứ không phải là xâm lấn.
Nhìn từ quan điểm của Bắc Kinh, Mỹ chính là nhân tố khiêu kích và kích động các nước láng giềng có quyền lợi ở biển Đông bằng chính sách tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tác giả Dean Cheng nhận định chính Mỹ cần phải nhấn mạnh Mỹ không phải đang quân sự hóa vấn đề bởi Trung Quốc có thể đổ lỗi tàu hải quân Mỹ xuất hiện trong khu vực sẽ làm leo thang căng thẳng rồi vin vào cớ này mà dùng các tàu thực thi pháp luật để khẳng định chủ quyền.
Nhìn chung, hành động hiện nay của Trung Quốc trên biển Đông là dấu hiệu cho thấy xung đột và tranh chấp trong tương lai có khả năng kết hợp với nhau tạo ra một phương pháp tiếp cận mới.
Phương pháp tiếp cận này bao hàm ý nghĩa rộng hơn với khái niệm “chiến tranh chính trị” bằng cách chia nhỏ thành chiến tranh pháp lý, chiến tranh công luận và chiến tranh tâm lý. Đây sẽ là thách thức cho các nhà quy hoạch và nhà ngoại giao Mỹ.
Nhà phân tích cao cấp Dean Cheng nhận định Trung Quốc thực sự tin rằng bản thân Trung Quốc không cần tuân thủ các tiêu chuẩn như các nước khác. Năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì từng phản bác Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bằng lập luận: “Trung Quốc là nước lớn còn các nước khác là nước nhỏ và đó chính là thực tế”. Nói ngắn gọn, Trung Quốc cảm thấy mình bị thách thức bởi các nước láng giềng không biết “trời cao đất dày” là gì. |
_____________________________________________________
(*) Dean Cheng theo học bằng tiến sĩ tại MIT, cư trú tại bang Virgina (Mỹ), làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc quỹ Heritage Foundation, từng là nhà phân tích cao cấp của Tập đoàn Ứng dụng khoa học quốc tế trong 13 năm. Ông đã xuất hiện trên CNN, BBC, Tin tức truyền hình quốc tế (ITN), Time, Washington Post, Financial Times, Bloomberg, Jane’s Defense Weekly, Chosun Ilbo và Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.